Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960798
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
TS. Hồ Đức Việt - người trưởng thành từ công tác Thanh niên

Một chiều xuân, tôi tới gặp TS. Hồ Đức Việt tại phòng làm việc của ông ở 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Căn phòng quá đơn sơ, không giống với những điều tôi đã hình dung. Một chiếc tủ cùng bộ bàn ghế làm việc với những chồng sách được bày biện gọn ghẽ. Ông rót nước vào những chiếc chén sứ Hải Dương men đã ngả màu và không quên nhắc nhở tôi: "Những đóng góp của chú nào có đáng kể gì. Trong hành trình 100 năm của Đại học Quốc gia Hà Nội còn nhiều người tiêu biểu lắm!".

Tôi biết… Khó có thể kể hết công lao cũng như những đóng góp cho đất nước nói chung và cho giáo dục đại học nói riêng của rất nhiều người đã từng học tập, giảng dạy và công tác qua các chặng đường trong hành trình 100 năm lịch sử của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng trong số 100 gương mặt thì không thể không có tên ông trong đó: TS. Hồ Đức Việt - Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

*

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An - một trong những cái nôi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Hồ Đức Việt - con trai út của nhà cách mạng, liệt sĩ Hồ Mỹ Xuyên, cháu nội của chiến sĩ cách mạng Hồ Tùng Mậu - đã ấp ủ biết bao dự định. Như bao người con của mảnh đất quê hương, những ngày cắp sách đến trường phổ thông của Hồ Đức Việt được nuôi dưỡng bởi quyết tâm và hy vọng học giỏi để đỡ nghèo, đỡ khổ, để phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, đất nước. Suốt thời phổ thông, học tại trường huyện, Hồ Đức Việt luôn là học sinh giỏi xuất sắc và thường giữ vị trí số một trong cả 2 môn Văn và Toán của lớp, của trường. Thành tích học tập của Hồ Đức Việt nổi trội đặc biệt so với các bạn cùng trang lứa. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An hồi đó đã phát động phong trào "Học tập, đuổi kịp và vượt Hồ Đức Việt’’.

Năm 1965, tạm biệt mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, văn hóa và hiếu học Quỳnh Đôi, Hồ Đức Việt bắt đầu quá trình học đại học và nghiên cứu khoa học chuyên ngành Toán - Lý tại Tiệp Khắc. Tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, suốt những năm tháng học tập và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Karlova ở Praha, Hồ Đức Việt luôn là một trong những sinh viên ưu tú của Việt Nam. Năm 1967, Hồ Đức Việt vinh dự là một trong rất ít lưu học sinh của Việt Nam tại Tiệp Khắc được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Kể từ khi được kết nạp Đảng cho đến hết những năm tháng học tập và nghiên cứu tại Tiệp Khắc sau này, Hồ Đức Việt luôn được đồng chí, bạn bè tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Phó bí thư Ban Chấp hành thành Đoàn lưu học sinh tại Praha. Đây là hoạt động thực tiễn đầu tiên giúp Hồ Đức Việt tích lũy kinh nghiệm trong công tác đoàn thể quần chúng. Năm 1974, Hồ Đức Việt bảo vệ thành công xuất sắc luận án Phó tiến sĩ chuyên ngành Toán - Lý và trở về nước công tác.

Năm 1975, Hồ Đức Việt trở thành giảng viên Khoa Toán - Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh hăng say miệt mài với lĩnh vực công tác mới, dồn tâm sức vào chuẩn bị chương trình, bài giảng, chuẩn bị cho những giờ lên lớp có chất lượng. Phát huy kinh nghiệm có được trong quá trình làm công tác Đoàn tại nước ngoài, cùng với sự nhiệt tình và sáng tạo trong công tác đoàn thể trong nước, năm 1976, Hồ Đức Việt được giao giữ cương vị Phó bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Song song với công tác đoàn thể, Hồ Đức Việt luôn chú trọng làm tốt công tác chuyên môn. Năm 1979, Hồ Đức Việt được tổ chức tín nhiệm giao cho giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ, một trong những khoa lớn, có uy tín và bề dày truyền thống lâu đời của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là thời gian đất nước vừa kết thúc chiến tranh, mọi thứ đều rất khó khăn, thiếu thốn. Sinh viên Khoa Toán - Cơ cũng như sinh viên của nhiều khoa khác khá đông, trong đó nhiều người từ chiến trường trở về để tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Thầy giáo trẻ Hồ Đức Việt luôn được giao đảm nhận những công việc về tổ chức, quản lý, đào tạo trong Khoa.

Năm 1980, Hồ Đức Việt được giao giữ chức vụ Phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội - một dấu mốc thay đổi quan trọng trong cuộc đời của Hồ Đức Việt. Từ đây, anh toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian gắn bó với công tác Đoàn. Cuối năm 1980, Hồ Đức Việt được cử đi thực tập cao cấp tại Cộng hòa Pháp. Tại đây, với uy tín và kinh nghiệm công tác, Hồ Đức Việt được cử làm Trưởng đoàn lưu học sinh vùng Paris. Sau hơn 1 năm thực tập tại Pháp, năm 1983, Hồ Đức Việt trở về nước và giữ chức vụ Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn Hà Nội. Năm 1984, Hồ Đức Việt được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IV.

Năm 1985, Hồ Đức Việt đảm đương cương vị Trưởng ban Trường học Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Những kinh nghiệm trong công tác quần chúng đã tích lũy được từ những năm trước đây cùng lối tư duy logic, hệ thống của một nhà toán học đã giúp anh rất nhiều trong lĩnh vực công tác khá phức tạp và nhạy cảm này. Đối tượng công tác của anh là tổ chức Đoàn của các trường đại học và thanh niên đang học tại các trường học trong cả nước. Tổ chức, cuốn hút họ vào những hoạt động đoàn thể không chỉ bằng nghị quyết chung chung mà còn bằng cả sự thuyết phục của trí tuệ, lý tưởng. Hồ Đức Việt đã giữ vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đoàn trong các trường đại học của cả nước giai đoạn này.

Năm 1988, Hồ Đức Việt được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính rồi Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, đồng thời ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ quan Dân vận Trung ương. Tháng 10.1992, TS. Hồ Đức Việt được giao trọng trách làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khóa VI, kiêm các chức vụ: Phó chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khoá IX. TS. Hồ Đức Việt cũng được tín nhiệm cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Giám đốc Học viện Thanh Thiếu nhi Việt Nam. Gắn bó và trưởng thành từ công tác thanh niên, trong thời gian làm việc tại Trung ương Đoàn, Hồ Đức Việt đã có sáng kiến phát động nhiều phong trào thanh niên mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Khí thế và hiệu ứng tốt từ các phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "Tuổi trẻ giữ nước", "Thanh niên tình nguyện”… do Hồ Đức Việt là một trong những người khởi xướng khi đang công tác tại Trung ương Đoàn, đến hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Hồ Đức Việt là người đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Phát triển Tài năng trẻ, một tổ chức đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập nâng cao kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại, thi đua cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu sáng tạo… trong thanh niên Việt Nam.

Tháng 6.1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, TS. Hồ Đức Việt được tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh. Năm 1998, ông được giao giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Năm 1999, theo sự phân công của Đảng và Nhà nước, TS. Hồ Đức Việt lại đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Đây là những năm ông đắm mình vào công tác thực tế của những tỉnh biên giới, tỉnh miền núi với muôn vàn khó khăn. Ông đã cùng với lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo những hoạt động quan trọng, đưa ra những quyết sách đổi mới nhằm từng bước vững chắc nâng cao đời sống nhân dân. Cũng từ những ngày làm việc thực tế này, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quản lý vĩ mô, chuẩn bị cho những trách nhiệm công tác quan trọng sau này. Gắn bó 3 năm với mảnh đất của trung tâm vùng Việt Bắc, năm 2002, ông được Trung ương phân công giữ chức vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Trong cương vị mới, TS. Hồ Đức Việt lại tiếp tục nghiên cứu nhiều vấn đề của đời sống xã hội và đề xuất các ý kiến để Quốc hội thực hiện có hiệu quả quyền lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thời gian gần đây, nhiều dự thảo luật như: Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ… đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan. Trong thành quả chung ấy có một phần công sức, đóng góp của ông Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt. Theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, người dân cả nước thường thấy TS. Hồ Đức Việt thẳng thắn nêu nhiều ý kiến xác đáng của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và của cá nhân về các vấn đề mà ông là người trực tiếp theo dõi và quan tâm. Hằng năm, ông đồng thời dành không ít thời gian trực tiếp đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng của quốc gia như: Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm công trình Khí - Điện - Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Dự án Đường Hồ Chí Minh và Chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng.

Tháng 4.2006, TS. Hồ Đức Việt đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

*

Dù bận rộn với các công việc được giao song TS. Hồ Đức Việt vẫn luôn khắc ghi trong tim hình ảnh về miền quê xứ Nghệ yêu dấu. Ở nơi đó, truyền thống khoa bảng và cách mạng của dòng họ Hồ luôn thôi thúc ông không ngừng phấn đấu và cống hiến./.

Đỗ Ngọc Diệp [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» TS. Hồng Vinh: Nhà báo trên trận địa tư tưởng
» GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Vui: "Tôi đã sống hết mình với thời đại của tôi"
» PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ với những đóng góp trong buổi đầu xây dựng ĐHQGHN
» Liệt sĩ Lê Anh Xuân: Nhà thơ, người chiến sĩ
» TS.VS Alexandre Yersin - Bác sĩ người pháp và những tháng ngày trên đất nước Việt Nam
» GS. Đặng Thai Mai - vị giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Văn khoa Hà Nội
» GS.Tôn Thất Tùng - người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam
» GS.TS Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam
» Henri Gourdon
» PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn