Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 990389
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận

Sinh năm 1950, tuổi thơ của cậu bé Vũ Văn Hiền diễn ra êm đềm như bao bạn cùng trang lứa tại vùng quê Thanh Miện, Hải Dương.

Năm 1967, tạm biệt quê hương, Vũ Văn Hiền theo học tại Khoa Chăn nuôi - Thú y của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, lúc này đang sơ tán tại Cao Bằng. Mặc dù thi đại học theo khối A gồm ba môn thuộc ngành tự nhiên nhưng khi bước chân vào giảng đường đại học, cậu sinh viên Vũ Văn Hiền đặc biệt say sưa với các bài giảng của thầy cô về các môn thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn: Triết học, Lịch sử, Kinh tế Chính trị,… Vũ Văn Hiền luôn dẫn đầu lớp về điểm số của các môn học này.

Năm 1969, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Vũ Văn Hiền tình nguyện gia nhập quân đội, rồi cùng hơn 200 sinh viên khác của Trường lên đường đi chiến đấu. Anh lính - sinh viên Vũ Văn Hiền khi đó được phân công về Bộ Tư lệnh Thiết giáp và là một trong những người được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vũ Văn Hiền đã có mặt trong các trận đánh mang tính quyết định để đi đến giải phóng thành phố Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận. Những ngày trực tiếp tham gia chiến trường đã bồi đắp thêm sự can trường và lòng dũng cảm cho anh lính trẻ Vũ Văn Hiền. Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, Vũ Văn Hiền được điều động về công tác tại Ty Nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Bắt tay vào một công việc mới, khả năng viết khúc chiết, logic và lý luận sâu sắc của anh cán bộ Vũ Văn Hiền được bộc lộ. Khi ấy, anh là người được giao nhiệm vụ chuyên viết báo cáo tổng hợp cho Ty Nông nghiệp nơi anh công tác. Năm 1976, Vũ Văn Hiền được cơ quan cử theo học lớp chuyên tu Kinh tế - Chính trị với thời gian 3 năm, tại Trường Tuyên huấn Trung ương. Đây được coi là một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời của anh. Kết thúc khoá học, Vũ Văn Hiền được chuyển về công tác tại Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận - chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Với yêu cầu của cơ quan mới, anh tiếp tục đi học để bổ sung thêm kiến thức về chuyên ngành lý luận chính trị. Cuối năm 1985, anh cùng 10 cán bộ khác được Nhà nước cử đi đào tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ý chí phấn đấu của người con quê hương của vải thiều Hải Dương một lần nữa lại được có dịp “thử sức” khi học tập và sinh sống trên đất nước của Lênin vĩ đại. Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường, trong thư viện, cuối năm 1989, Vũ Văn Hiền đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài về “Những biểu hiện mới của Chủ nghĩa tư bản hiện đại”. Đây là công trình khoa học đầu tiên của anh về nghiên cứu lý luận, đặt nền tảng cho hàng loạt các nghiên cứu, các bài viết sắc sảo của anh sau này.

Năm 1989, tốt nghiệp xuất sắc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô, Vũ Văn Hiền trở về nước và tiếp tục với công việc ông vẫn làm trước đây: viết các bài nghiên cứu về lý luận và thực tiễn của hoạt động nghiên cứu lý luận tại Việt Nam đăng trên Tạp chí Cộng sản. Với năng khiếu “trời cho” về các môn khoa học xã hội cùng với việc được đào tạo chuyên sâu tại chiếc nôi của các ngành khoa học lý luận cơ bản và ý chí được rèn luyện, thử thách qua những ngày tháng trong chiến trường, phẩm chất và năng lực của TS. Vũ Văn Hiền được “thăng hoa”. Các bài viết, các nghiên cứu của anh ngày càng bộc lộ khả năng tư duy logic, lối hành văn khúc chiết và lý luận sắc sảo, được các đồng nghiệp và các đồng chí lãnh đạo đánh giá cao.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, TS. Vũ Văn Hiền được Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản lúc đó là đồng chí Hà Đăng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ viết bài về những cống hiến và đóng góp to lớn của nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn. Đây là một vinh dự lớn lao và là một trọng trách nặng nề đối với người làm báo - nghiên cứu lý luận công tác tại một tạp chí nghiên cứu tổng hợp. Với ý thức nghiêm túc về trách nhiệm trong công việc được giao, Vũ Văn Hiền đã ngày đêm sưu tầm và nghiên cứu các tài liệu về quãng đời hoạt động cách mạng của vị lãnh tụ nổi tiếng này. Sau nhiều ngày đêm “thai nghén” đề tài, Vũ Văn Hiền đã tìm thấy “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quãng đời làm việc của đồng chí Lê Duẩn đó là: “Làm chủ - Một tư tưởng cao đẹp”. Đây cũng là nhan đề bài viết của ông về vị lãnh tụ kính yêu, đăng trên Tạp chí Cộng sản. Tác phẩm đã nêu bật được cống hiến lớn lao, lột tả rõ ràng, sắc nét phẩm chất cao quý trong con người cộng sản kiên trung Lê Duẩn. Bài viết hoàn thành một cách xuất sắc, đáp ứng sự đòi hỏi của các đồng chí lãnh đạo Ban biên tập tạp chí. Vượt qua phạm vi ảnh hưởng của một bài viết thông thường, bài viết nghiên cứu về cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đã gây một tiếng vang trong những người cùng nghề và được các đồng chí lãnh đạo Đảng đánh giá cao. Bài viết này được coi là một trong những công trình mang tính bước ngoặt trên con đường làm nghề của Vũ Văn Hiền - một người say sưa và tâm huyết với nghề viết - nghiên cứu lý luận. Những cố gắng và năng lực của Vũ Văn Hiền đã được ghi nhận, tạo đà cho những cống hiến của anh sau này.

Năm 1995, bên cạnh nghiệp viết, Vũ Văn Hiền được cấp trên tín nhiệm giao giữ chức Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Bắt đầu từ đây, với trọng trách được giao, năng lực quản lý của Vũ Văn Hiền được “thử sức” và bộc lộ. Kinh nghiệm của những năm tháng công tác trên cương vị Vụ phó rồi Vụ trưởng vụ Quốc tế của Tạp chí Cộng sản đã giúp ông hoàn thành tốt các công việc được giao trong thời gian này. Cùng trong thời gian này, đầu năm 1996, với những kết quả nghiên cứu khoa học, TS. Vũ Văn Hiền được phong học hàm Phó giáo sư. Năm 2001, TS. Vũ Văn Hiền tiếp tục được giao giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ông trở thành người chủ chốt trong việc xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng và uy tín cho tạp chí lý luận của Đảng. Tạp chí Cộng sản đến tay bạn đọc đều đặn với những bài nghiên cứu sâu sắc và thuyết phục. Độc giả vẫn luôn nhận ra những bài viết với lý lẽ sắc bén, lập luận sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Bác trong các bài nghiên cứu của PGS.TS Vũ Văn Hiền.

Bên cạnh công tác quản lý của một tạp chí lý luận “đầu đàn”, PGS.TS Vũ Văn Hiền còn đảm đương chức vụ Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Giảng viên Lý luận Chính trị trực thuộc ĐHQGHN. Kế tục thành tích của những người tiền nhiệm đã đạt được, PGS. Vũ Văn Hiền đã từng bước đưa hoạt động của Trung tâm đi vào nền nếp đồng thời từng bước mở rộng quy mô, phạm vi đào tạo. Hiện nay, bên cạnh việc giảng dạy có cấp chứng chỉ các môn chính trị cơ bản như: Triết học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh… và đào tạo hàng trăm thạc sĩ cho các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, Trung tâm còn mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, đào tạo theo địa chỉ. Năm 2006 này, được phép của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trung tâm bắt đầu đào tạo bậc tiến sĩ một số chuyên ngành mới. Trung tâm trở thành một trong những địa chỉ có uy tín trong cả nước về đào tạo các cán bộ có trình độ cao về lý luận chính trị, góp phần bổ sung cho nhu cầu lớn về cán bộ trong lĩnh vực này cho cả nước. Các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của trung tâm và một số trường đại học có ông tham gia giảng dạy kiêm nhiệm luôn ấn tượng về một người thầy tận tụy và nghiêm khắc với học trò đồng thời luôn là người nhiệt tình chỉ bảo những điều lớp trẻ chưa thấu hiểu. Đến nay, PGS.TS Vũ Văn Hiền đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh khác; 14 học viên cao học hoàn thành các luận văn thạc sĩ và gần chục học viên đang hướng dẫn. Ông cũng là một uỷ viên có tinh thần làm việc nghiêm túc và thẳng thắn trong hàng trăm hội đồng bảo vệ luận văn, luận án; hội đồng nghiệm thu, bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Mẫn cán và sáng tạo trong công tác quản lý, say sưa với công tác giảng dạy, PGS. Vũ Văn Hiền vẫn dành một khoảng thời gian không nhỏ cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo ông, đó là cách để ông luôn tiếp thu được các tri thức mới, hoàn thiện và mài sắc được tư duy nghiên cứu lý luận đồng thời không bị lạc hậu thông tin với thời cuộc. PGS.TS Vũ Văn Hiền đã tham gia chủ trì nhiều đề tài, dự án các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp nhà nước và 1 dự án trọng điểm quốc gia về “Phát huy dân chủ cấp phường”.

Từ năm 2002, theo sự điều động của Đảng và Nhà nước, PGS. Vũ Văn Hiền chuyển sang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam với chức vụ Tổng giám đốc. Tại đây, một lần nữa năng lực và sự sáng tạo của PGS.TS Vũ Văn Hiền lại tiếp tục được thể hiện trên một cương vị mới. Ông đã có nhiều sáng kiến nhằm hiện đại hoá hệ thống phát thanh, cải tiến nội dung, chương trình, tăng thời lượng phát sóng và quy mô phủ sóng. Các biện pháp trên được thực hiện đồng thời cùng với việc củng cố, tăng cường hiệu lực của bộ máy cán bộ, tạo bước đột phá mới trong hoạt động của đài. PGS.TS Vũ Văn Hiền đã có sáng kiến kỹ thuật đưa các trạm phát sóng lên đỉnh núi cao và lắp đặt các trạm tiếp sóng dưới mặt đất, truyền tải có hiệu quả các chương trình phát thanh, phủ sóng tới các vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật phát thanh, Vũ Văn Hiền đã được Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương trao tặng phần thưởng đặc biệt. Đây là giải thưởng đầu tiên của Hiệp hội dành cho một nhà báo Việt Nam. Theo ông, một trong những lý do để ông có chút ít thành công trong việc cải tiến hoạt động Đài Tiếng nói Việt Nam chính là những ngày ông “thực địa” ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khi đi tiếp xúc cử tri, trong cương vị là đại biểu Quốc hội.

Với những thành tích đã đạt được trong quá trình công tác, năm 2004, PGS.TS Vũ Văn Hiền đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2005, ông được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Các phần thưởng cao quý này là nguồn động viên và cổ vũ to lớn giúp ông tiếp tục hăng say sáng tạo, nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí có giá trị./.

Đỗ Ngọc Diệp [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
» PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức
» GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
» GS.NGND Phan Huy Lê, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn