Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 989966
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Henri Gourdon

Ngày 16.5.1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký nghị định số 1514a thành lập Đại học Đông Dương.

Điều 1 của bản Nghị định này ghi rõ: "Nay thành lập ở Đông Dương, với danh xưng trường Đại học (Université) một tập hợp các khoá đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng."(1) Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng, khai sinh ra Đại học Đông Dương, trường đại học đầu tiên được xây dựng theo mô hình hiện đại ở Việt Nam, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Một trong những người có đóng góp quan trọng vào quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đại học Đông Dương, và sau đó trực tiếp tham gia điều hành, giảng dạy tại ngôi trường này chính là Henri Gourdon, Tổng Giám đốc Học chính đầu tiên của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương.

Giáo sư Henri Gourdon tốt nghiệp thạc sĩ ngành Giáo dục học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Saint Cloud. Sau đó, vào năm 1902, ông được cử sang Đông Dương và được bổ nhiệm làm Thanh tra Học chính. Ngày 1.7.1902, Tổng thống Pháp bổ nhiệm Paul Beau làm Toàn quyền Đông Dương. Ba tháng sau, ông chính thức nhậm chức tại Hà Nội. Sau một thời gian nghiên cứu tình hình, Paul Beau quyết định tiến hành cuộc cải cách giáo dục đầu tiên ở Đông Dương, đưa nền giáo dục xứ thuộc địa vào quy củ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng, phát triển và khai thác thuộc địa của người Pháp, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập đang ngày càng trở nên cấp bách hơn của người bản xứ.

Việc làm đầu tiên của Paul Beau là quyết định thành lập Tổng nha Học chính Đông Dương (Direction Générale de l'Instruction Publique de l'Indochine), thay cho cơ quan Thanh tra Học chính của chính phủ thuộc địa vào cuối năm 1903. Henri Gourdon được Paul Beau bổ nhiệm làm Tổng giám đốc đầu tiên của Tổng nha Học chính Đông Dương.

Trên cương vị này, Gourdon đã có đóng góp to lớn vào việc xúc tiến chương trình cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa Pháp. Thời kỳ đó, chương trình cải cách giáo dục do Paul Beau đề xướng gặp phải không ít khó khăn. Mặc dù người Pháp đã có mặt tại Việt Nam gần nửa thế kỷ, nhưng cho tới năm 1902, nền giáo dục của xứ thuộc địa vẫn ở trong tình trạng kém phát triển, manh mún, không đồng bộ và hoàn toàn mang tính chất tự phát, chất lượng giáo dục rất thấp. Trong khi một số người Pháp tiến bộ từ khá sớm đã nhận ra nhu cầu phát triển nền giáo dục thuộc địa theo xu hướng du nhập mô hình giáo dục hiện đại từ chính quốc sang, một mặt nhằm đào tạo tốt hơn nguồn nhân lực bản xứ phục vụ cho nhu cầu khai thác thuộc địa, nhưng đồng thời nhằm tăng cường ảnh hưởng văn hoá - văn minh Pháp đối với dân chúng thuộc địa. Tuy nhiên, giới thực dân bảo thủ thì lại kiên trì chính sách ngu dân, phản đối mọi chủ trương "khai hoá" đối với người bản xứ.

Trong bối cảnh đó, Henri Gourdon đã tập trung chuẩn bị, xây dựng nội dung và kế hoạch thực thi một chương trình cải cách giáo dục, nhằm "...mang lại một sự xung động toàn thể về sự nghiệp giáo dục trong toàn xứ Đông Dương". Năm 1904, ông đã đệ trình để Toàn quyền Paul Beau ký một số nghị định quy định cấu trúc tổng thể của nền giáo dục thuộc địa. Theo đó giáo dục phổ thông sẽ bao gồm hai bậc: giáo dục tiểu học (enseignement primaire) và giáo dục bổ túc (enseignement complémentaire). Bên cạnh đó, những trường học truyền thống của người bản xứ (trường học Nho học của người Việt, trường học Phật giáo của người Khmer và người Lào) vẫn tiếp tục được phép tồn tại. Như vậy, trong bước cải cách giáo dục thứ nhất này nền giáo dục thuộc địa mới chỉ được hoàn chỉnh một phần, chủ yếu là đối với loại hình trường học theo mô hình châu Âu đã có từ trước.

Để tiếp tục đẩy tới công cuộc cải cách, theo đề nghị của Henri Gourdon ngày 9.3.1906, Toàn quyền Paul Beau đã ký Nghị định thành lập Hội đồng Hoàn thiện Giáo dục Bản xứ (Conseil de Perfectionnement de lEnseignement Indigène), do Gourdon, Tổng giám đốc Học chính kiêm giữ chức Chủ tịch. Hội đồng này, nói như Toàn quyền Paul Beau, "nhằm tập hợp tất cả các nhân vật Pháp và bản xứ ở tất cả các nước trong Liên bang có khả năng đưa ra những ý kiến sáng suốt về lĩnh vực giáo dục". Hội đồng đã họp phiên đầu tiên vào tháng 4.1906 và ngay tháng sau, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục bản xứ đã được Nghị định của Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn. Việc dạy - học hoàn toàn bằng chữ Hán đã bị xoá bỏ, và quy định mới về việc dạy học trong nhà trường đã được xác định: ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ quốc ngữ; lên cấp II chỉ còn lại chữ Hán, chữ quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc nhưng ở cấp III thì chữ Hán, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp đều bắt buộc như nhau. Đầu tháng 5.1906, thay mặt hội đồng, Henri Gourdon đã trình để Paul Beau ký ban hành nguyên tắc tổ chức và chương trình giáo dục phổ thông ba cấp ở Đông Dương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của Hội đồng Hoàn thiện Giáo dục bản xứ là nghiên cứu "những điều kiện để thành lập và hoạt động của một trường đại học gồm các môn giảng dạy ở bậc đại học dành cho người bản xứ và người châu Á." Trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng ngày 11.4.1906, Paul Beau đã phát biểu, nhấn mạnh rằng: "...có thể khẳng định rằng chúng ta đang có tại chỗ, ở Sài Gòn và Hà Nội, tất cả những yếu tố cần thiết để thành lập ở Đông Dương một hoặc vài trung tâm giảng dạy bậc đại học bản xứ có khả năng cạnh tranh với tất cả những ai có thể thành lập ở chỗ khác những trung tâm như thế...".

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị và sau nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, đầu tháng 5.1906, Chủ tịch Hội đồng Henri Gourdon đã trình toàn quyền Beau một bản báo cáo về dự án thành lập trường đại học, trong đó tôn chỉ và sứ mệnh của nhà trường đã được xác định rõ: "Trường đại học sẽ là một trung tâm giảng dạy giáo dục bậc đại học, đỉnh cao học vấn ở Đông Dương của những người được chúng ta bảo hộ... Không muốn sao chép thể chế và chương trình của các trường đại học tại Pháp, Đại học Đông Dương, trong khi đáp ứng các nhu cầu kinh tế và hành chính của thuộc địa trong các ban kỹ thuật, sẽ cố gắng hướng dẫn tinh thần khoa học và phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc trong số những người được chúng ta bảo hộ và những người châu Á ở các nước láng giềng. Trường đại học sẽ cố gắng tạo nên ở Đông Dương một trung tâm văn hoá Âu châu, như vậy sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển tri thức của những người dân được chúng ta bảo hộ và tăng cường ảnh hưởng của nước chúng ta tại Viễn Đông."

Theo đề nghị của Hội đồng, ngày 16.5.1906, Toàn quyền Paul Beau đã ký Nghị định số 1514a về việc thành lập Đại học Đông Dương. Về danh nghĩa, Đại học Đông Dương đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương, nhưng lại do một Hội đồng Quản trị (Conseil dAdministration) điều hành. Chủ tịch của Hội đồng này chính là Henri Gourdon, Tổng Giám đốc Nha học chính Đông Dương. Như vậy, có thể nói Gourdon chính là lãnh đạo cao nhất của Đại học Đông Dương khi mới được thành lập.

Để biến ngôi trường mới được thành lập trên giấy tờ trở thành hiện thực còn có rất nhiều việc phải xúc tiến. Do đó, ngày 8.5.1907 Paul Beau ký tiếp một nghị định điều chỉnh cơ chế quản lý, trao quyền chỉ đạo Đại học Đông Dương cho đích danh Tổng Giám đốc Nha học chính Đông Dương. Đồng thời một Hội đồng Hoàn thiện Đại học (Conseil de Perfectionnement de lUniversité) cũng được thành lập thay thế cho Hội đồng quản trị. Hội đồng mới này cũng do Henri Gourdon, Tổng Giám đốc Nha học chính làm Chủ tịch. Trên cương vị mới, Henri Gourdon đã chỉ đạo để Hội đồng sớm xây dựng quy định về cơ cấu của Đại học Đông Dương, của các trường thành viên, mối liên kết giữa Đại học Đông Dương và các cơ sở nghiên cứu khoa học ở Đông Dương, đặc biệt là phải sớm hoàn chỉnh bộ Nội quy đầu tiên của nhà trường, xác định rõ nội dung, chương trình của các môn học, đồng thời chuẩn bị chiêu sinh cho năm học đầu tiên. Một việc không kém phần quan trọng là xây dựng cơ sở vật chất đầu tiên cho nhà trường. Theo đề nghị của Hội đồng, một cơ sở ban đầu gồm có các lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm đã được chính quyền thuộc địa chuẩn y cho xây dựng trong khu nhượng địa cũ ở phía đông bắc Hà Nội, sát ven bờ sông Hồng với tổng chi ngân sách cho năm học đầu tiên là trên 15.000 piastres (đồng bạc Đông Dương).

Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, trải qua rất nhiều khó khăn, ngày 10.11.1907 lễ khánh thành Đại học Đông Dương được tổ chức. Vài tuần sau, Đại học Đông Dương đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên với sự có mặt của 94 sinh viên mới, 62 sinh viên dự thính và 37 sinh viên năm thứ nhất Trường Y sẽ tham dự một số giờ học của môn khoa học của Trường, tổng cộng gồm 193 sinh viên.

Việc Đại học Đông Dương có thể mở cửa và khai giảng được năm học đầu tiên sau hơn một năm chuẩn bị là một thành công lớn, trong đó có đóng góp quan trọng của Henri Gourdon. Vừa là Tổng Giám đốc Nha học chính, vừa là Chủ tịch Hội đồng Hoàn thiện Đại học, nhưng Henri Gourdon còn tham gia giảng dạy trực tiếp môn Giáo dục học đại cương tại Trường Cao đẳng Văn khoa thuộc Đại học Đông Dương. Sau năm học này đã có 41 sinh viên chính thức của Trường đã chứng tỏ rằng họ có thể tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi với kết quả đủ để bước sang năm học thứ hai. Ngay cuối năm học thứ nhất, 39 sinh viên mới đã yêu cầu được ghi tên đăng ký theo học.

Tuy nhiên, đúng vào lúc đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà Đại học Đông Dương không thể tiếp tục hoạt động như kế hoạch ban đầu. Từ năm 1908 đến năm 1917 chỉ có một số trường thành viên của Đại học Đông Dương tiếp tục đào tạo. Với chức vị là Tổng Giám đốc Học chính, Henri Gourdon tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh các bậc giáo dục phổ thông, góp phần chuẩn bị cho sự hồi sinh của Đại học Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ I.

Ngày 21.12.1917, Toàn quyền Albert Sarraut đã ký một Nghị định ban hành Bộ Học chính Tổng quy (Règlement Géglement Général de lInstruction Publique) gồm 7 chương, 558 điều, chia nền giáo dục ở Việt Nam làm 3 cấp, trong đó có quy định về việc mở cửa trở lại của Đại học Đông Dương. Lúc này Henri Gourdon vẫn giữ chức Tổng Giám đốc Nha học chính Đông Dương, và trên cương vị đó ông lại tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc xúc tiến cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai ở Đông Dương, và đặc biệt, là người trực tiếp chỉ đạo việc mở cửa trở lại và tái tổ chức trên quy mô lớn hơn của Đại học Đông Dương.

Theo đề nghị của ông, ngày 25. 12. 1918, Toàn quyền Albert Sarraut đã ký một Nghị định ban hành Quy chế chung về giáo dục bậc đại học (Règlement Général de l'Enseignement Supérieur). Theo Quy chế này thì Đại học Đông Dương được đặt dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo bậc Đại học Đông Dương (Direction de lEnseignement Supérieur de lIndochine). Tổ chức này chịu trách nhiệm "điều hành các công việc hành chính", "chuẩn bị thành lập, tổ chức chế độ và soạn thảo các chương trình cho các trường đại học sẽ mở tại Đông Dương cho sinh viên Pháp và sinh viên bản xứ".

Thời kỳ đầu, Henri Gourdon, Tổng Giám đốc Nha học chính Đông Dương giữ chức vụ Giám đốc của Ban chỉ đạo bậc đại học Đông Dương, người "trực tiếp quản lý nhân viên các trường đại học ở Đông Dương", "chịu trách nhiệm điều hành các trường" và là người "trực tiếp liên hệ với Toàn quyền trong việc giải quyết những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo sự hoạt động tốt và phát triển bình thường của các cơ sở dưới quyền mình quản lý".

Năm 1918, Henri Gourdon được điều động về Pháp và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao đẳng Thuộc địa tại Paris, là trường đào tạo các quan chức cai trị ngạch dân sự của Pháp cho các thuộc địa Đông Dương và Bắc Phi. Sau này, vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, có lúc ông còn được bổ nhiệm làm Thanh tra Giáo dục của chính phủ Pháp, được phái sang thanh sát tình hình giáo dục ở Đông Dương cùng với Bộ trưởng thuộc địa Paul Renaud. Trong chuyến đi này, ông đã phê phán mạnh mẽ các phần tử thực dân bảo thủ cố tình kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục thuộc địa.

Mặc dù là một quan chức cao cấp của chính quyền thực dân Pháp, nhưng Henri Gourdon là một nhà giáo dục học cấp tiến, trên thực tế đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền giáo dục thuộc địa tại Việt Nam. Đặc biệt, ông đã có đóng góp lớn vào sự ra đời và hồi sinh của Đại học Đông Dương trong cả hai thời kỳ quan trọng 1903 - 1908 và 1917 - 1918./.



) Direction de l’Instruction Publique - C. Mus, Directeur de l’Ecole suprieure de Pdagogie de l’Universit Indochinoise: "La Premire Universit Indochinoise", Hanoù, Imprimerie G. Taupin & Cie, 1927, tr.2.

"La Premire Universit Indochinoise", Sđd, tr.2.

Journal officiel de lIndochine Franỗaise (JOIF), 11.6.1906, tr.807.

J.O.I.F, 16.5.1907, tr. 769.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (TTLTQG I), GGI, hồ sơ: 2819.

IOIF, số 29, ngày 10.4.1918, tr 607-609.

Direction de l’Instruction publique: Règlement Général de l'Enseignement Supérieur, Deuxième Édition, Hanoi - Haiphong, Imprimerie d' Extréme-Orient, 1921.

Thành lp theo Ngh định ngày 21.12.1917 ca Toàn quyn Đông Dương.

Phạm Việt Đức [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
» PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức
» GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
» GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "ông Đồ"
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn