Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984569
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS. Hà Minh Đức, như tôi nghĩ...

Là người bạn cùng lớp của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ tháng 10.1954, tôi được đọc Hà Minh Đức từ những trang viết đầu trên báo Sinh viên Việt Nam mà anh là chủ bút.

Chúng tôi quen thân nhau từ thời còn là sinh viên đến nay thấm thoắt đã nửa thế kỷ với biết bao kỷ niệm sâu sắc, buồn vui. Anh là sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường; còn tôi được về công tác ở một cơ quan của Trung ương Đảng - Ban Tuyên giáo (nay là Ban Khoa giáo Trung ương), sau đó tôi cũng được về cơ quan nghiên cứu văn học, từ năm 1959. Tuy mỗi người một công việc khác nhau, nhưng giữa chúng tôi vẫn có chung một nghề là nghiên cứu văn học. Do đó, giữa chúng tôi vẫn thường xuyên quan hệ với nhau, trao đổi với nhau về khoa học và cả về nhiều vấn đề khác của thời cuộc hoặc nhân tâm. Khi anh còn ở 31 Hàng Ngang, nhà anh gần như là "điểm hẹn" gặp nhau của bạn bè của cả hai chúng tôi. Lê Bá Hán từ Vinh ra; Bùi Đình Đô từ Phú Thọ về thường chỉ đến nhà Hà Minh Đức; rồi Đoàn Đình Ca, Nguyễn Bao, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà, Đặng Viết Ngoạn... và nhiều bạn cùng lớp khác cũng thường đến đấy, có khi chỉ để gặp nhau trò chuyện về công việc và cả về đời thường. Do cùng nghề nghiệp, tôi có điều kiện đọc sách của anh, theo sát anh từng bước trên sự nghiệp văn chương. Trên giá sách của tôi hầu như có tất cả những công trình của anh. Có thể chưa đọc hết từng trang, nhưng có thể nói, tôi đã đọc gần hết sách của anh. Hơn nữa, tôi còn viết được ba bài đăng trên báo về ba cuốn sách của anh. Đó là các cuốn "Nhà văn và tác phẩm" (1971); "Sự nghiệp báo chí và văn học Hồ Chí Minh" (2000); "Văn Chương - tài năng và phong cách" (2002).

Mới đây, tôi vừa nhận được bộ "Tuyển tập Hà Minh Đức" gồm 3 tập với gần 3.000 trang in khổ lớn. Đó là chưa kể 4 tập bút ký và 3 tập thơ của anh. Với khối lượng công trình và bài viết cũng như sáng tác của Hà Minh Đức, có thể nói, anh là người có nhiều công trình nhất trong số những người bạn cùng lớp mà tôi được biết. Khâm phục sức sáng tạo của anh, tôi thấy anh là một tấm gương lao động khoa học bền bỉ, ngày càng giàu sức đam mê văn chương và tỏ rõ tài năng thiên phú của mình. Khi nhận ba tập tuyển đồ sộ của anh, tôi có ý định viết một bài nghiên cứu, giới thiệu tập sách. Nhưng khi đọc Lời giới thiệu của GS.VS Hoàng Trinh ở tập 1, nhất là Lời cuối sách ở tập 3 của người học trò xuất sắc, cũng là bạn đồng nghiệp của anh là PGS.TS Trần Khánh Thành, tôi thấy chưa cần viết thêm nữa, ít nhất là vào lúc này.

Điều nổi bật để lại trong tâm trí tôi khi đọc Hà Minh Đức là ở tình người ấm áp cũng như chất trí tuệ luôn vươn tới cái đẹp trong sáng mang tính thời đại xuyên suốt trong các công trình, bài viết của anh. Nghiên cứu, tìm hiểu về các vấn đề lý luận văn nghệ của các nhà kinh điển trong tập "C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ", Hà Minh Đức không dừng lại ở những nguyên lý chung chung mà anh đã cố gắng nêu bật được những suy nghĩ thể hiện quan điểm thẩm mỹ của các nhà kinh điển thông qua thực tiễn văn học dân tộc và nhân loại, giúp người đọc soi sáng nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hôm nay. Ở những công trình lý luận khác, tác giả cũng cố gắng vận dụng lý luận vào việc suy nghĩ sâu sắc về bản chất của thực tiễn văn học mỗi thời kỳ. Đối với những công trình nghiên cứu về tác gia, từ Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng... những nhà văn, nhà thơ trước Cách mạng tháng Tám 1945 đến những nhà văn, nhà thơ hiện đại, chúng ta dễ thấy toát lên cái tình của người viết khi anh cố gắng đi tìm chủ yếu những vẻ đẹp trong tình người, tình cảm quê hương đất nước thể hiện trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt, những trang viết về văn, thơ và báo chí của Hồ Chí Minh, phải nói là Hà Minh Đức tỏ ra rất nhạy cảm, đã cố gắng khai thác được vẻ đẹp tinh tế, trong sáng, cao thượng trong thơ văn Hồ Chí Minh khiến người đọc không chỉ thấy ở tác phẩm của Người khía cạnh người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới mà còn thấy rõ những đặc điểm cụ thể mang đậm tính nhân văn trong phong cách, cá tính sáng tạo trong thơ, văn Hồ Chí Minh, do đó càng tôn vinh thêm giá trị anh hùng và danh nhân văn hoá của Người.

Nói đến tình người, tôi đặc biệt chú ý những bài viết của Hà Minh Đức về tình bạn, tình cảm thầy trò và cả sự thông cảm chân thành với những người có khó khăn mà anh thể hiện trong những bài bút ký. Tình bạn giữa Hà Minh Đức với GS. Bùi Văn Nguyên trong bút ký "Vị giáo sư và ẩn sĩ đường" có thể xem là một tình bạn mẫu mực, trong sáng, thuỷ chung. Nhờ đến với Hà Minh Đức, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Bùi Văn Nguyên và được đọc tác phẩm của ông. Tôi thật sự khâm phục tinh thần lao động khoa học đến quên mình của vị giáo sư đáng kính, đồng thời tôi cũng cảm thấy nhiều điều bất công đối với một nhà trí thức có tâm huyết với nghề nghiệp và đất nước như Bùi Văn Nguyên. Hà Minh Đức cũng có tình cảm đó và anh cố gắng gần gũi, giúp đỡ vị giáo sư cho đến cuối đời của ông. Điều đó tưởng dễ nhưng quả là hiếm có trong tình bạn đối với một người nhiều tuổi hơn mình, lại có cá tính và nhiều tính cách khác nhau. Về tình cảnh thầy trò, những bài viết về GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS. Đặng Thai Mai, GS. Hoàng Xuân Nhị và GS. Nguyễn Lân không chỉ là những bài bút ký hấp dẫn mà còn thể hiện tấm lòng thuỷ chung sâu sắc của một người học trò với các thầy cũng đồng thời là đồng nghiệp với mình. Điều đó thật không phải dễ đối với một người học trò đã trưởng thành ở vị trí gần ngang hàng với nhiều bậc thầy của mình. Những thầy học của Hà Minh Đức cũng là những người thầy rất thân thiết đối với tôi như Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn. Thậm chí nói về sự gần gũi, thân thiết thì tôi còn có nhiều điều kiện và hoàn cảnh hơn cả Hà Minh Đức, nhưng tôi vẫn không viết được bài nào về các bậc thầy vô cùng quý mến của mình. Rõ ràng, ở đây ngoài sự chân thành về tình cảm còn phải có một điều kiện cần có của người sáng tạo, cũng có thể gọi là tài năng sáng tác. Có lẽ vì thế từ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, anh đã "lấn sân" sang sáng tác cả văn xuôi và thơ, được giới sáng tác khích lệ, ngợi khen. Tố Hữu đọc thơ anh "có cảm giác anh thuộc phái ấn tượng". Huy Cận quý Hà Minh Đức, coi anh như nhà tri âm, tri kỷ trong cuộc đời và trong thơ. Anh Thơ thấy thơ anh có một dáng điệu trầm tư, tuy đúng mực.

Với Hà Minh Đức, tôi nghĩ nhiều và phục anh không phải ở khía cạnh người sáng tác, mặc dù có thể nói đó cũng là một thành công rất đáng ca ngợi đối với anh. Qua những bài bút ký về đời thường và có thể cả về thơ nữa, tôi thấy anh quả là người rất sâu đậm tình cảm, dễ xúc động trước những cảnh của người xích lô, người thợ cắt tóc ở đầu ô hoặc những cảnh ở miền quê sơ tán. Có lẽ vì thế anh sáng tác được cả thơ, thể hiện sự thăng hoa của một trí tuệ, một tâm hồn đã đến độ nhạy cảm dễ toát lên những vần thơ lung linh như "Ở giữa ngày đông"; "Những giọt nghĩ trong đêm"... Nghe thơ anh qua lời ca của bài thơ được phổ nhạc trên Đài Truyền hình Việt Nam, qua một cô ca sĩ trẻ vào đêm khuya, tôi thấy Hà Minh Đức thật đa tình, đa cảm nhưng trong sáng, dễ mến. Rất tiếc là bản nhạc và bài hát đó rất ít được hát lại.

Điều đáng khâm phục là Hà Minh Đức không chỉ có những công trình lý luận đóng góp cho giảng dạy và nghiên cứu văn học mà anh còn theo dõi rất sát tình hình văn học cận - hiện đại Việt Nam, có bài nghiên cứu, phê bình hầu hết những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu. Điều đó phản ánh một sức đọc bền bỉ, sức làm việc cần cù, chịu khó, mới có được những bài viết công phu, hấp dẫn về hàng chục nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của thế kỷ XX.

Năm nay, năm 2005, GS. Hà Minh Đức bước vào tuổi 70 xưa nay hiếm. Nhưng sức làm việc của anh vẫn còn nhiều, trí tuệ còn rất minh mẫn, trái tim vẫn còn nóng ran, dễ xúc động khi bắt gặp những cảnh đẹp, nhất là người đẹp. Tôi hy vọng vẫn còn được đọc nhiều công trình mới của anh. Hơn nữa, tôi vẫn nuôi hy vọng anh không nản chí tìm đến một giải thưởng cao quý xứng đáng với anh - Giải thưởng Hồ Chí Minh. Với anh tất cả còn ở phía trước, dù cho nay mai anh nhận sổ hưu. Tôi vẫn nghĩ thế và hy vọng như thế về Hà Minh Đức, bạn tôi./.

Thành Duy [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» GS. Phùng Hữu Phú - nhà giáo, nhà khoa học ưu tú, cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu
» Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945
» Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn