Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 986368
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15.9.1900 tại quê ngoại, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Cha ông là Nguyễn An Khương, một trí thức Nho học yêu nước từng tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo. Từ nhỏ, Nguyễn An Ninh đã được cha giáo dục lòng yêu nước và kèm học Hán văn. Sau đó, ông đã theo học bậc phổ thông tại các trường học Pháp - Việt ở Nam Kỳ.

Năm 16 tuổi, ông được gia đình gửi ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y - Dược. Sau khi học được nửa năm, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học ngành Luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương. Năm 1918, ông sang Paris (Pháp), tiếp tục học đại học ngành luật tại Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne. Hai năm sau, ông đã hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc.

Cũng chính trong thời gian này, Nguyễn An Ninh bắt đầu tham gia và hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp. Ông tham gia "Nhóm ngũ long" (gồm có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh). Trong nhóm, ông được Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường rất tin cậy, quý mến. Ông là bạn và là người cộng sự đắc lực của Nguyễn Ái Quốc, cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria (Người cùng khổ). Ngoài ra, Nguyễn An Ninh còn dành thời gian nghiên cứu các học thuyết cách mạng trên thế giới. Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu.

Ngày 3.10.1923, Nguyễn An Ninh về nước, bắt đầu dấn thân vào hoạt động yêu nước và cách mạng chống lại chính quyền thực dân Pháp. Ngày 25.1.1923, ông trình bày bài diễn thuyết lần thứ nhất trước đông đảo thanh niên trí thức Sài Gòn với chủ đề "Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam". Tiếp đó, ngày 15.10.1923, ông diễn thuyết lần thứ hai tại Hội Khuyến học Nam Kỳ với bài "Lý tưởng của thanh niên An Nam". Trong 2 bài diễn thuyết này, Nguyễn An Ninh đã kịch liệt đả kích các chính sách của chính quyền thực dân, kêu gọi nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hăng hái giũ bỏ những ràng buộc của hủ tục, bất chấp sự đàn áp của thực dân Pháp ra đi tìm đường cứu nước và xây dựng cho dân tộc một nền văn hoá mới tự do và hiện đại. Các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên yêu nước ở Nam Kỳ nhiệt liệt tán đồng các tư tưởng của Nguyễn An Ninh, nhưng nhà cầm quyền thực dân thì vô cùng tức tối. Thống đốc Nam Kỳ Cognacq và chánh mật thám Arnoux đã triệu tập ông đến Dinh Thống đốc để đe dọa và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.

Sự đe dọa của chính quyền thực dân không làm Nguyễn An Ninh sờn lòng, chùn bước, mà trái lại càng làm cho ông kiên quyết tiến lên trên con đường đã chọn. Ngày 10.12.1923, ông lập ra tờ báo La Cloche Fêleé (Chuông rè) bằng tiếng Pháp, phát hành công khai ở Sài Gòn. Đây là một trong những tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí công khai trực tiếp phê phán mạnh mẽ chính quyền thực dân Pháp, đồng thời giới thiệu quảng bá cho các tư tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng cách mạng Pháp, Ấn Độ và chủ nghĩa Mác. Nguyễn An Ninh còn đăng lại trên La Cloche Fêleé một số bài của Nguyễn Ái Quốc đã đăng trên báo Le Paria. Để đàn áp tờ báo, chính quyền thực dân đã cấm các nhà in và Sở Bưu điện không cho họ nhận in và phát hành, vận chuyển La Cloche Fêleé. Nguyễn An Ninh liền bán hết gia sản để lập xưởng in riêng. Sau đó, ông để đầu trần, xoã tóc, mặc đồ bà ba, đi guốc gỗ tự mình rao bán báo La Cloche fêleé trên đường phố Sài Gòn. Hành động yêu nước bất khuất của ông đã được các tầng lớp nhân dân Sài Gòn và Nam Kỳ rất ngưỡng mộ và ủng hộ. Nguyễn An Ninh trở thành lãnh tụ và là thần tượng của phong trào yêu nước cấp tiến của thanh niên Nam Kỳ. Qua đó, ông đã đóng góp to lớn vào sự hình thành phát triển mạnh mẽ của cao trào đấu tranh quần chúng trong những năm 1925 - 1926.

Năm 1926, ông bị chính quyền thực dân bỏ tù 2 năm. Sau khi ra tù, ông đã sáng lập ra Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp với các cán bộ của Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên trong vận động quần chúng và phát triển tổ chức của Hội. Ông lại bị thực dân Pháp bỏ tù vào cuối năm 1928.

Sau khi ra tù lần thứ hai (1931), Nguyễn An Ninh lại hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng, sát cánh cùng với cách chiến sĩ cộng sản và yêu nước đấu tranh gìn giữ và phục hồi phong trào sau thất bại của Cao trào cách mạng 1930 - 1931. Cùng với chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Tạo, cuối tháng 4.1932 Nguyễn An Ninh đã lập ra tờ báo công khai bằng tiếng Pháp La Lutte (Tranh đấu). Đây là tờ báo cách mạng rất có uy tín ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Cùng với những người cộng sản, Nguyễn An Ninh đã tích cực tham gia vận động trong các cuộc tranh cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ trong năm 1933. Đây là lần đầu tiên các chiến sĩ cộng sản và yêu nước tổ chức thành công các cuộc đấu tranh công khai sôi nổi của quần chúng.

Sau thắng lợi vang dội của Mặt trận Bình dân Pháp, tháng 6.1936 Chính phủ Bình dân được thành lập ở Paris do Léon Blum đứng đầu, tuyên bố sẽ cử phái đoàn thanh tra sang khảo sát tình hình các xứ thuộc địa của nước Pháp, trong đó có Đông Dương. Nhân cơ hội đó, một số phần tử cơ hội trong giai cấp địa chủ và tư sản Nam Kỳ định tranh thủ nhân danh "dân chúng bản xứ" trình cho Chính phủ Bình dân các yêu sách của họ. Trong khi đó, cơ sở của Đảng Cộng sản Đông Dương còn chưa kịp khôi phục và Đảng cũng chưa có chủ trương cụ thể nào về vấn đề này. Nguyễn An Ninh đã hết sức nhạy bén đứng ra phát động phong trào "Đông Dương đại hội", một phong trào đấu tranh mang tính chất quần chúng rộng rãi. Sáng kiến của Nguyễn An Ninh nhanh chóng được Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 9.1936, khoảng 600 Uỷ ban hành động đã được thành lập ở Sài Gòn và Nam Kỳ, phần lớn do các Đảng viên cộng sản lãnh đạo, sôi nổi vận động thu thập dân nguyên và thức tỉnh quần chúng.

Phong trào Đông Dương đại hội đã mở đầu cho cao trào vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ của quần chúng diễn ra sôi nổi trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1936 đến năm 1939. Cao trào này được coi như "cuộc tổng diễn tập lần thứ hai" cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám sau này. Trong suốt thời kỳ đó, Nguyễn An Ninh luôn luôn sát cánh cùng với các chiến sĩ cộng sản lăn lộn vận động trong các phong trào đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, báo chí và trong các cuộc vận động tranh cử.

Ở Sài Gòn và Nam Kỳ lúc đó các phần tử Trotskits và Lập hiến cũng ráo riết hoạt động để tranh giành ảnh hưởng với Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy không có cơ sở sâu rộng trong quần chúng nhưng họ phần lớn lại là những trí thức Tây học khá nổi tiếng, vì vậy, cuộc đấu tranh chống lại những luận điểm tuyên truyền của họ không dễ dàng gì. Trong bối cảnh đó, với tư cách là một lãnh tụ, một trí thức được nhân dân hết sức tin yêu, Nguyễn An Ninh đã đứng về phía những người cộng sản, đấu tranh không khoan nhượng với hai nhóm người trên. Ông là bạn tâm giao tin cậy của Tổng Bí thư Hà Huy Tập và của các chiến sĩ cộng sản khác như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Trấn, Dương Bạch Mai v.v.

Tháng 9.1939, Thế chiến II bùng nổ ở châu Âu. Ở Đông Dương, thực dân Pháp liền tuyên bố thiết quân luật, xiết chặt ách thống trị tàn bạo của chúng hòng ngăn ngừa nhân dân ta vùng lên tự giải phóng mình. Chúng ráo riết truy lùng, bắt bớ và sát hại các chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Ngày 4.10.1939, Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt lần thứ 5. Sau đó, ông bị kết án 5 năm tù và 10 năm lưu đày biệt xứ. Chúng đưa ông ra giam giữ và tra tấn tại nhà tù Côn Đảo. Ông hy sinh ngày 14.8.1943, hai năm trước khi nước nhà giành lại được độc lập.

Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ (từ 1923 đến 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hoá và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hoá - tư tưởng Việt Nam cận đại. Ông là một trong những người tiêu biểu nhất của lớp trí thức "Tây học" đầu tiên, dũng cảm dấn thân, xả thân, đem hết tài năng, dũng khí và tính mạng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân. Để hiểu rõ hơn tầm vóc của Nguyễn An Ninh, xin dẫn ra đây những nhận xét, đánh giá của một số nhà lãnh đạo và nhà khoa học lớn về ông.

Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam viết: "Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước vĩ đại, là một trí thức tầm cỡ."

Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Chính phủ viết: "Tôi khẳng định rằng Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc và dân tộc, cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử".

Ông Hà Huy Giáp, một trong những nhà cách mạng tiền bối viết: "Nguyễn An Ninh là một chiến sĩ cách mạng rất năng động, nhạy bén với thời cuộc. Cả cuộc đời của anh là một cuộc đời đầy hy sinh, gian khổ, bị tù đày 5 lần cho đến chết trong địa ngục Côn Đảo, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng con người. Trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là những năm 1925 - 1926, nhân dân Nam Bộ coi anh như một lãnh tụ cách mạng, hơn nữa, họ sùng bái anh như một thần tượng."

GS. Trần Văn Giàu, bậc tiền bối cách mạng, nhà sử học lớn viết: "Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông. Ở đất Sài Gòn mà mặc bà ba, đi guốc, bán báo Chuông rè của mình viết. Hình ảnh đó tự nó đủ gây cảm tình sâu sắc với đồng bào. (...) Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi. (...) Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây, tà, vào tù như về quê, con người ấy đồng thời là một người trầm tư, mặc tưởng. (...) Nguyễn An Ninh là một chính khách, học giả, một nhà chính trị hoạt động. Trước hết, anh là một con người của quần chúng, là con người của nhân dân. (...) Trong mắt, trong lòng người Sài Gòn - thành phố. Hồ Chí Minh, chí sĩ Nguyễn An Ninh là một người cách mạng, xứng đáng được lưu danh bằng bia đá, tượng đồng"./. 

Phạm Hồng Tung [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Nguyễn Kim Đính - "Ông đồ Nghệ" giảng dạy văn học Nga
» Trường Chinh - Lãnh tụ cách mạng, nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn
» GS. Nguyễn Đức Chính với những cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy nghiên cứu ngoại ngữ
» GS. Trần Văn Nhung - ông thứ trưởng mang cốt cách người thầy
» GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học
» Vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập
» GS. Nguyễn Văn Mậu - nhà toán học đầu ngành
» Phan Đình Diệu - Nhà khoa học và khát vọng phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Quang Mỹ - nhà giáo, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam
» GS. Hoàng Xuân Nhị - người đặt nền móng cho việc giảng dạy Văn học Nga ở Việt Nam
» GS. Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
» GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
» TS. Phạm Quang Nghị - những câu chuyện nhỏ mà tôi đã biết
» Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn