Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 982529
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Phác họa chân dung một nhà vật lý thực nghiệm

Sinh ra tại Hà Nội nhưng tuổi thơ của GS.TSKH.NGND Nguyễn Châu có nhiều năm sống tại quê hương Trực Ninh và Thành phố Nam Định.

Trong ký ức của ông, tuổi thơ là những ngày đi mót lạc, mót củi, nhìn đôi ba đứa bạn cùng lứa được cắp sách đến trường mà thèm thuồng. Ngày đó, những năm 40 của thế kỷ trước, không chỉ có gia đình ông mà hầu như tất cả những người xung quanh ông đều sống trong cảnh đói ăn, thiếu mặc và “khát” chữ. Khi gia đình đi chạy giặc, bố ông vẫn đang trong quân ngũ, mẹ ông lo đủ cơm ăn, áo mặc cho mười đứa con đã quá khó khăn, chuyện học hành là một điều “xa xỉ”.

Suốt gần mười năm sống xa Hà Nội, bố mẹ ông dù rất muốn nhưng “lực bất tòng tâm”, chỉ có thể cho ông theo học được hết lớp 6. Những khó khăn bất thường ập đến, Nguyễn Châu đã phải đi lao động để ít nhiều đỡ đần gánh nặng cơm áo cho gia đình. Năm 1955, gia đình ông rời Hải Hậu, trở lại định cư tại Hà Nội. Đời sống thường nhật của gia đình đã bớt khó khăn hơn trước. Việc học hành của các anh chị em trong nhà chủ yếu là tự giác. Ông học “nhảy cóc” từ lớp 6, vào học lớp 10 tại Thủ đô.

Cuối năm 1956, Nguyễn Châu thi đỗ vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sinh ra từ trước khi cách mạng tháng Tám 1945 nên Nguyễn Châu không được hưởng cuộc sống yên bình của thời hậu chiến, nhưng đồng thời cậu hiểu được giá trị đích thực để có hoà bình. Anh sinh viên trẻ Nguyễn Châu đã lao vào học tập hăng say, học cho “bõ” những ngày tháng dù rất muốn nhưng không thể theo đuổi ước mơ đi học. Ngày ngày, một buổi đến giảng đường, một buổi anh sinh viên Nguyễn Châu dành thời gian làm thêm một số công việc để có tiền tự trang trải cho cuộc sống của mình. Năm 1960, với thành quả tốt nghiệp xuất sắc, tân cử nhân Nguyễn Châu được giữ lại làm giảng viên tại Khoa Vật lý của chính ngôi trường đã chắp cánh ước mơ trở thành giảng viên đại học của anh.

GS. Nguyễn Châu - Ảnh: Bùi Tuấn

Năm 1963, anh giảng viên trẻ Nguyễn Châu được cử đi đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Liên Xô. Năm 1965, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ chuyên ngành Vật lý chất rắn về đề tài “Các tích điện, từ và xung điện ferit spinel với dị hướng từ cảm ứng đơn trục”, Nguyễn Châu về nước, tiếp tục công tác giảng dạy tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - chiếc nôi ươm những mầm tương lai sáng tạo, nơi rèn luyện trí tuệ, tư duy và nhân cách khoa học, nhân cách người thầy giáo, nơi chuẩn bị hành trang từ những ngày đầu để ông vững vàng vào đời. Tiếp đó là những ngày tháng ông miệt mài trong phòng thí nghiệm và chăm chút từng trang giáo án chuẩn bị cho giờ lên lớp. Năm 1966, ông được cử làm Phó chủ nhiệm Bộ môn Vật lý chất rắn. Trong 2 năm (1966 - 1967), TS. Nguyễn Châu được cử làm Trưởng đoàn Nghiên cứu Khoa học phục vụ quốc phòng tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 1988, ông được bầu làm Chủ nhiệm khoa Vật lý và đảm đương cương vị này trong suốt 8 năm sau đó. Những năm làm quản lý của một Khoa có bề dày truyền thống về đào tạo và nghiên cứu khoa học đã thôi thúc ông tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và không ngừng phấn đấu vươn lên trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tập thể giảng viên và sinh viên Khoa Vật lý nhớ tới ông - một người luôn nghiêm túc trong công việc và mẫu mực trong đời sống thường nhật. Ông luôn là người đến Văn phòng khoa sớm nhất và say sưa làm việc cho đến đêm khuya. Ông là người “anh cả” trong lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu từ, tiêu biểu cho sự say mê tìm tòi cái mới trong nghiên cứu khoa học. Năm 1984, Nguyễn Châu bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ khoa học. Năm 1991, ông vinh dự được phong học hàm Giáo sư. Tận tâm với nghề dạy học, ông là một trong những giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 1994), Nhà giáo nhân dân (năm 2002). Trăn trở với việc đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ, ông luôn tâm niệm rằng: sản phẩm của mỗi thầy giáo, cô giáo và lực lượng phục vụ của trường đại học là một đội ngũ lao động trí tuệ có trình độ khoa học cơ bản vững vàng, có phương pháp tư duy khoa học đúng đắn và một bản lĩnh tốt trong quá trình tự đào tạo và làm việc độc lập. Tự hào về truyền thống của ngôi trường đã nuôi dưỡng hoài bão khoa học ấy, ông đã tổng quát qua những chiêm nghiệm trong cuộc đời nhà giáo của mình: “Các sản phẩm khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dù thuộc các ngành chuyên môn khác nhau song cùng có nét chung là có hàm lượng trí tuệ cao, có tầm khái quát lớn, có sức khám phá và khả năng gợi mở do đó chúng giàu tính thuyết phục”.

Năm 1999, ông là người sáng lập đồng thời là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Khoa học Vật liệu thuộc Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Suốt thời gian đảm nhiệm trọng trách ở trung tâm này, với uy tín khoa học của cá nhân, ông đã đem về nhiều dự án và đề tài quan trọng, phát huy được tiềm năng nghiên cứu của tập thể cán bộ của Trung tâm. Quan hệ quốc tế của Trung tâm ngày càng được mở rộng, thu hút nhiều nghiên cứu sinh người nước ngoài đến thực tập và nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học đại diện của Trung tâm đã nhiều lần được mời trình bày báo cáo tại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và chủ tọa nhiều phiên họp quan trọng.

Hơn 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, Nguyễn Châu luôn gắn kết công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Khi đã đạt được kết quả hữu ích trong một hướng nghiên cứu cụ thể, ông tiếp tục chuyển sang một hướng nghiên cứu mới. Nhớ ngày ấy, khi những nghiên cứu về ferit đã đem đến kết quả khả quan trong việc góp phần sản xuất loa đài và hữu ích trong vật lý trị liệu cũng như chế tạo phần tử tĩnh cho các linh kiện điện và điện tử phục vụ quốc phòng thì ông lại chuyển sang nghiên cứu vật liệu từ tính nanô. Từ đó đến nay, ông luôn có nhiều nghiên cứu mới về vật liệu từ tính. Ông đã thành công trong những nghiên cứu về những vật liệu mới mang cấu trúc nanô, những nghiên cứu về tinh thể vô định hình và nanô. Tính chất từ nhiệt có thể đem ứng dụng trong việc sản xuất bộ phận làm lạnh bằng từ trường. Phát hiện hiệu ứng từ nhiệt khổng lồ trong các băng trở vô định hình ở vùng nhiệt độ phòng và biến thiên từ trường thấp hứa hẹn cho sự ra đời một thế hệ máy làm lạnh bằng từ trường kiểu mới. Đây là những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ rất mới mẻ trong thực tiễn của Việt Nam. Thời gian sau này, ông đã tìm tòi và nghiên cứu các công trình liên quan đến hiệu ứng từ, từ trở. Đây là những nghiên cứu mang khả năng ứng dụng cao, đặc biệt trong việc sản xuất những chi tiết ghi và đọc chi tiết đĩa cứng của máy vi tính. Bên cạnh đó, ông cũng đã thành công trong nghiên cứu về màng mỏng từ, có thể ứng dụng vào sản xuất ổ đĩa cứng trong máy vi tính. Theo các số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong vòng 10 năm trở lại đây, Nguyễn Châu là nhà khoa học có số lượng công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý thực nghiệm công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế nhiều nhất của Việt Nam. Với những kết quả trong nghiên cứu khoa học, công trình: “Một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu vật liệu từ tính: ferit, perovskit, vật liệu từ vô định hình và vật liệu từ có cấu trúc nanô” do ông chủ trì đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ năm 2005 - một phần thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học.

Tính đến nay, GS.TSKH.NGND Nguyễn Châu đã hướng dẫn thành công 7 luận án tiến sĩ và 10 luận văn thạc sĩ; công bố trên 300 công trình khoa học trên các tạp chí, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế; chủ trì hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học công nghệ cấp Nhà nước và cấp Đại học Quốc gia; chủ trì 27 hợp đồng kinh tế kỹ thuật đồng thời là tác giả chủ biên và tham gia biên soạn hàng chục giáo trình,…

Với những đóng góp to lớn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động các hạng: Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (2005). Đây là những phần thưởng cao quý ghi nhận những đóng góp của ông đối với nền giáo dục và khoa học công nghệ nước nhà./.

Đỗ Ngọc Diệp [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Nhà ngôn ngữ học lao động không mệt mỏi
» Cù Huy Cận - Người suốt đời gắn bó với cách mạng và thơ
» GS.VÕ QUÝ:
“Được nhận giải thưởng Hành tinh xanh là một vinh dự lớn đối với tôi”
» GS. Cao Xuân Huy, nhà sư phạm, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hóa phương Đông
» Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo
» Cố NGND.GS Nguyễn Thạc Cát - Nhà hóa học tài đức vẹn toàn
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn