Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 24 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 988455
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
ĐHQGHN - một trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và triển khai công nghệ hàng đầu của cả nước

1. ĐHQGHN triển khai và thực hiện nhiều đề tài khoa học phục vụ thực tiễn, phục vụ sản xuất và chiến đấu

Ngay từ thời kỳ Đại học Đông Dương, mặc dù còn có nhiều hạn chế của một cơ sở đào tạo thuộc địa của thực dân Pháp, song rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học đã được thực hiện có hiệu quả. Nhiều nhà khoa học người Việt Nam đã có những cống hiến to lớn cho việc xây dựng những nền móng đầu tiên cho nền khoa học nước nhà trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, y học, luật học, mỹ thuật, nông lâm ...Nhưng những hoạt động triển khai và nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn thực sự được ghi nhận từ những năm đầu tiên của trường ĐHTHHN, khi công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm với định hướng phục vụ thiết thực những yêu cầu của đời sống. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà trường đã tổ chức hàng chục hội nghị khoa học lớn với hàng nghìn đề tài nghiên cứu, trong đó rất nhiều đề tài có giá trị đóng góp to lớn phục vụ sản xuất, quốc phòng và những vấn đề thực tiễn nóng bỏng của đời sống xã hội. Nhiều đề tài tập trung giải quyết những yêu cầu thực tiễn của sản xuất và chiến đấu. Hàng trăm đề tài nghiên cứu thiết thực phục vụ các địa phương. Rất nhiều đề tài phục vụ quốc phòng góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trong đó nổi bật là các công trình TH [2] 66 chống vi khuẩn gây bệnh đã kháng thuốc, nghiên cứu chất chống cháy, quang phổ Pbs, nghiên cứu cơ chế rối loạn ngôn ngữ do chấn thương sọ não để tìm biện pháp phục hồi ngôn ngữ cho thương binh, nghiên cứu cơ chế phá bom từ trường dưới đáy sông... Nhiều đoàn cán bộ giảng dạy và sinh viên đã vượt qua bom đạn địch đến nhiều địa phương trên miền Bắc để tiến hành khảo sát, nghiên cứu.

2. ĐHQGHN là trung tâm đào tạo dẫn đầu cả nước về thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn gắn kết có hiệu quả các đề tài nghiên cứu vào phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Trong thời kỳ đổi mới, ĐHQGHN đã chủ trì và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, trong đó đáng chú ý là số đề tài về khoa học cơ bản do ĐHQGHN chủ trì và thực hiện chiếm gần một nửa số đề tài khoa học cơ bản trong cả nước. Các đề tài này một mặt đã có tác dụng nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học, là kết quả khoa học của rất nhiều luận án tiến sĩ khoa học, tiến sĩ được bảo về thành công ở ĐHQGHN; mặt khác làm phong phú thêm kho tàng kiến thức của nhiều ngành khoa học. Hàng chục nghìn bài báo khoa học đã được cán bộ nhà trường công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Hàng nghìn cuốn sách chuyên khảo đã được xuất bản, trong đó không ít cuốn được dịch ra tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp...

Trong khi xây dựng và thực hiện nghên cứu khoa học, ĐHQGHN đặc biệt quan tâm đến các đề tài nghiên cứu, điều tra cơ bản phục vụ cho công tác qui hoạch lãnh thổ, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phát triển nông thôn và miền núi, điều tra nghiên cứu biển. ĐHQGHN cũng đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ quản lý kinh tế - xã hội, đề xuất những kiến nghị, giải pháp, những luận cứ khoa học giúp cho Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo và các cơ quan quản lý hoạch định đường lối, chính sách. Đó là những đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, xây dựng con người mới trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Nhiều đề tài đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho việc xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Từ năm 1995 đến nay, ĐHQGHN đã và đang chủ trì và thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giải quyết những nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng như chương trình cấp Nhà nước. Chỉ trong giai đoạn 2001-2005, ĐHQGHN đã chủ trì 2 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm nhà nước, 11 đề tài, dự án sản xuất thử cấp Nhà nước, 8 đề tài KHCN độc lập cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và hơn 1000 đề tài, dự án sản xuất cấp Bộ hoặc ĐHQGHN. Kinh phí KHCN, chỉ tính từ nguồn ngân sách Nhà nước đã tăng đáng kể hàng năm, từ 20,08 tỷ năm 2001 lên tới 39,4 tỷ năm 2005.

ĐHQGHN đã tổ chức hàng trăm hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, ngoại ngữ, công nghệ, kinh tế...trong đó nhiều hội thảo có tiếng vang lớn, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng của Việt Nam và thế giới tham gia như Hội nghị khoa học quốc tế về hậu quả chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại Việt Nam; Hội thảo khoa học về biên giới, Hội thảo Việt Nam học lần thứ I (1998) lần thứ II (2004), Hội thảo “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại”, Diễn đàn quốc tế về Khoa học cơ bản mũi nhọn...

ĐHQGHN còn có nhiều đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học về Hà Nội. Để tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ĐHQGHN đã chủ trì thực hiện 5 đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, nhiều đơn vị trong ĐHQGHN còn tích cực tham gia hợp tác và giúp đỡ các tỉnh xây dựng các bộ địa chí, lịch sử địa phương, xây dựng các bộ sách Địa chí Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Lịch sử Hải Phòng..., lịch sử nhiều huyện, xã trong cả nước, thực hiện hàng trăm cuộc khai quật khảo cổ học trên nhiều địa bàn ở miền Bắc và miền Trung, chủ trì 20 dự án của nhà nước điều tra, khảo sát cổ học góp phần làm rõ thêm nội dung các nền văn hóa khu vực, làm phong phú bản đồ khảo cổ học trên phạm vi toàn quốc. Cùng với những thành tích trong đào tạo, những thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học đã là những thành tích quan trọng để năm 2005 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – một thành viên quan trọng thuộc ĐHQGHN được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Với những thành tựu trong nghiên cứu khoa học như vậy, nhiều công trình của các nhà khoa học của ĐHQGHN được Nhà nước tặng những giải thưởng cao quý, trong đó 13 công trình/ cụm công trình khoa học được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 12 công trình/ cụm công trình khoa học được tặng giải thưởng nhà nước, 03 nữ giáo sư và tập thể nữ khoa học được tặng giải thưởng Covalepxcaia, nhiều công trình được tặng giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ VIFOTEC, nhiều cán bộ được nhận Bằng lao động sáng tạo. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN được nhận các học vị viện sĩ, tiến sĩ danh dự và các giải thưởng khoa học có uy tín trên thế giới…

VnuNEWS [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Cống hiến nổi bật của ĐHQGHN về công tác đào tạo cán bộ khoa học
» ĐHQGHN - một trung tâm giao lưu quốc tế
» ĐHQGHN - Trung tâm đào tạo đại học & sau đại học
» ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo cán bộ khoa học đầu đàn của cả nước
» ĐHQGHN - Đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng đội ngũ
» Xây dựng đội ngũ cán bộ
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn