Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 28 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 959959
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
ĐHQGHN - Trung tâm đào tạo đại học & sau đại học

Thành lập năm 1906 với 4 ngành cơ bản là y học, khoa học, văn học và luật học và chỉ có 94 người ghi danh, Đại học Đông dương đã được mở rộng và phát triển cả về quy mô lẫn số lượng sinh viên phục vụ nhu cầu tiếp cận với khoa học hiện đại châu Âu, đào tạo đội ngũ trí thức nòng cốt của Việt Nam giai đoạn bấy giờ và đạt tới con số 1000 sinh viên trong niên khoá 1942-1943. Sau lễ khai giảng tháng 11/1945, Đại học Quốc gia Việt nam bắt đầu hoạt động với hơn 1500 sinh viên. Tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam có nhiều giáo sư, nhân sĩ, các nhà trí thức nổi tiếng của Đại học Đông Dương và một số cơ sở đào tạo, khoa học cũ của Pháp như Giáo sư Nguỵ Như Kontum, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Giáo sư Vũ Đình Hoè... Một số nhà trí thức tiến bộ, nhà cách mạng nổi tiếng đã được bổ nhiệm đảm trách giảng dạy một số môn học mới, quan trọng, như Hồ Chủ Tịch, ông Phạm Văn Đồng được phân công đảm nhiệm dạy môn chính trị, ông Võ Nguyên Giáp ... được phân công dạy môn kinh tế. Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo thành công của trường đại học trong điều kiện hết sức đặc biệt như Đại học Quốc gia Việt nam lúc bấy giờ.

Trong suốt cuộc Kháng chiến chống Pháp, mặc dù tất cả các trường đại học đều phải rời Hà Nội, tiếp tục đào tạo với quy mô nhỏ hơn hoặc tạm ngừng đào tạo một thời gian, nhưng các nhà khoa học, những người thầy của Đại học quốc gia Việt Nam đã mang tất cả tâm trí của mình nuôi dưỡng và đào tạo được hàng nghìn học trò xuất sắc, trong đó có nhiều người trở thành giáo sư của các trường đại học lớn, trở thành các nhà khoa học, quản lý đầu đàn của nhiều cơ quan khoa học của đất nước. Tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, những người thầy xây nền đắp móng cho Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây như các giáo sư Ngụy Như Kontum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hoán, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Chiển... đã cùng với những học trò xuất sắc của mình tiếp tục tổ chức đào tạo các ngành khoa học như Toán học, Vật lý, Hoá học, Văn học, Lịch sử, đặt những viên đá tảng làm nền cho những thành tựu về nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học tự nhiên và xã hội - nhân văn ở Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.

Những năm sau đó, quy mô và tổ chức của trường Đại học Tổng hợp được mở rộng không ngừng. Từ hai khoa Tự nhiên và Xã hội năm 1956 rồi 5 khoa (Toán- Lý, Sinh vật, Hoá, Lịch sử, Ngữ Văn) năm 1961, Trường đã phát triển thành 14 khoa và hàng loạt trung tâm nghiên cứu hiện đại vào năm 1985. Một đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu hùng hậu, với chất lượng chuyên môn và chính trị cao của trường đã được đào tạo, bổ sung và trưởng thành không ngừng, trong đó nhiều người có trình độ tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, nhiều người trở thành các nhà khoa học đầu đàn của cả nước về một số ngành khoa học cơ bản như các giáo sư Đinh Gia Khánh, Hà Minh Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hoàng Hữu Đường, Phan Tống Sơn, Đàm Trung Đồn.... Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ cũng không ngừng được mở rộng về quy mô và chuyên ngành đào tạo, không chỉ dừng ở đào tạo giáo viên ngoại ngữ mà còn cung cấp một đội ngũ làm công tác phiên dịch và nghiên cứu ngôn ngữ, phục vụ rất có hiệu quả các hoạt động đối ngoại của đất nước. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học đầu đàn của cả nước trong lĩnh vực ngoại ngữ cũng được trưởng thành và công tác tại cơ sở đào tạo ngoại ngữ đầu ngành của cả nước này như các giáo sư Vũ Đình Liên, Trương Đông San, Vũ Hiển... Trong những năm chiến tranh chống phá hoại và hoà bình xây dựng đất nước, các trường đại học tiền thân của ĐHQGHN đã đào tạo hàng chục vạn sinh viên, cung cấp một đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản tài giỏi hoạt động rộng khắp trong các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học quốc phòng ... của cả nước, góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản của nước nhà.

Từ năm 1993, ĐHQGHN tiếp tục phát triển, mở rộng về quy mô, từng bước hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngoài các trường đại học đã có thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, ngoại ngữ, một số trường đại học, khoa trực thuộc về các lĩnh vực khoa học cơ bản và mũi nhọn mới đã được thành lập. Bản thân mỗi đơn vị này là một mô hình cơ sở đào tạo đặc thù, hoạt động theo cơ chế mở trong sự liên thông chặt chẽ với các đơn vị khác trong ĐHQGHN cũng như sự hợp tác rộng rãi với các cơ sở đào tạo và khoa học ngoài ĐHQGHN. Nhiều ngành học mới được xây dựng đáp ứng nhu cầu cán bộ của đất nước. Cùng với các đơn vị đào tạo, hệ thống các đơn vị nghiên cứu khoa học cũng phát triển mạnh mẽ. Sau Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt nam học và Khoa học phát triển mới được thành lập cùng với một số trung tâm NCKH trực thuộc tập trung thực hiện các hướng nghiên cứu ưu tiên, liên ngành trong sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị đào tạo. Mạng lưới các đơn vị phục vụ, dịch vụ trực thuộc cũng từng bước hoàn chỉnh về tổ chức và cơ chế hoạt động nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cơ sở vật chất và phục vụ các hoạt động đào tạo, NCKH.

Hiện nay ĐHQGH có 12 đơn vị đào tạo (trong đó có 4 trường đại học, 6 khoa trực thuộc, 2 trung tâm đào tạo), 2 viện và 5 trung tâm nghiên cứu khoa học, 11 đơn vị phục vụ, sản xuất và dịch vụ trực thuộc. Tổng số cán bộ, công chức của ĐHQGHN là 2.723 người, trong đó có 1516 cán bộ giảng dạy, bao gồm 105 giáo sư, 239 phó giáo sư, 45 tiến sĩ khoa học, 495 tiến sĩ và 546 thạc sĩ. Tỷ lệ cán bộ có trình độ trên đại học (TSKH, TS, ThS) chiếm 63,8% tổng số cán bộ giảng dạy.

ĐHQGHN đang đào tạo gần 50.000 sinh viên, trong đó có gần 18.000 sinh viên hệ chính quy, gần 3.500 học viên cao học và nghiên cứu sinh, hơn 300 sinh viên nước ngoài, gần 2.500 học sinh trung học phổ thông chuyên.

VnuNEWS [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Cống hiến nổi bật của ĐHQGHN về công tác đào tạo cán bộ khoa học
» ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo cán bộ khoa học đầu đàn của cả nước
» ĐHQGHN - Đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng đội ngũ
» Xây dựng đội ngũ cán bộ
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn