Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 986290
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Người phụ nữ tạo nên thương hiệu màng lọc DIAMOND
PGS.TS Lê Viết Kim Ba

PGS.TS Lê Viết Kim Ba sinh năm 1943 ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Mấy chục năm gắn bó tâm huyết với việc nghiên cứu và chế tạo các loại màng lọc, những kết quả mà PGS.TS Lê Viết Kim Ba cùng với đồng nghiệp đạt được đã mở ra một hướng đi sáng lạn cho ngành sản xuất màng lọc ở Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, khi mà nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về màng lọc càng lớn bởi màng lọc thuộc công nghệ cao rất cần cho sản xuất và đời sống. ý thức được điều đó, ngay từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, có một người phụ nữ Việt Nam đã tìm đến với lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này khi vừa đặt chân đến CHDC Đức. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm trôi qua, cô cùng các nữ cộng sự vẫn miệt mài nghiên cứu, chế tạo, triển khai sản xuất một số loại màng lọc, ngay cả trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư rất hạn hẹp. Một số sản phẩm màng lọc từ bàn tay của những người phụ nữ đam mê khoa học đã được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, đạt chất lượng quốc tế và cạnh tranh được với màng lọc của một số hãng nổi tiếng trên thế giới. Phần thưởng dành cho họ - những nữ chuyên gia về màng lọc là những bản nghiệm thu đề tài xuất sắc cấp Bộ, cấp Nhà nước; là giải thưởng Kovalepxkaia cho người phụ nữ đứng chủ đề tài; là Huy chương vàng tại Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam; là giải thưởng VIFOTEC cho công trình nghiên cứu khoa học công nghệ tiêu biểu và mới đây, công trình đã được trao giải thưởng khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ nhất. Qua bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả những thông tin chung nhất về công trình “Nghiên cứu chế tạo và triển khai sản xuất màng lọc” do PGS.TS Lê Viết Kim Ba và 3 nữ cộng sự thực hiện…

GS. Đào Trọng Thi - Giám đốc ĐHQGHN trao Giải thưởng khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ I cho PGS. Lê Viết Kim Ba

Việc chúng tôi chế tạo thành công màng lọc dịch tiêm truyền đã buộc một số công ty nước ngoài phải giảm giá bán. Họ không còn được tự do nâng giá, ép giá, gây khó khăn cho ngành Dược nước ta như trước đây…” - tôi vẫn còn nhớ như in lời tâm sự của PGS.TS Lê Viết Kim Ba khi nói về ý nghĩa của công việc mà cô và đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn dành nhiều tâm huyết. Tiếp chúng tôi tại căn phòng làm việc tầng 3 trong khu tập thể Văn Chương là một người phụ nữ tóc đã hoa sương với nụ cười đôn hậu, cởi mở. PGS.TS Lê Viết Kim Ba sinh năm 1943 ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha cô là tiến sĩ hóa học, Viện trưởng đầu tiên của Viện Hóa học Việt Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã rất yêu thích môn Hóa và hằng ước mơ sau này sẽ đi tiếp con đường mà người cha đã đi. Tốt nghiệp Khoa Hóa học, Trường ĐHTHHN (nay là Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), cô được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1975, cô đã thi đỗ nghiên cứu sinh và được cử sang nghiên cứu ở CHDC Đức. Thấy màng lọc có nhiều ứng dụng và có giá trị kinh tế lớn nên cô đã mạnh dạn chuyển hướng sang nghiên cứu về lĩnh vực mới mẻ này. Lúc đó, Viện Hóa cao phân tử ở Teltow - Seehof thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức cũng mới bắt tay vào nghiên cứu công nghệ màng lọc. Nữ nghiên cứu sinh Lê Viết Kim Ba ngày ấy đã miệt mài bên các chồng tài liệu liên quan tới màng lọc, tới vật liệu polyacrylonitrile, nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện chế tạo tới cấu trúc màng hình thành và tìm mối liên hệ giữa cấu trúc với các tính chất, đặc biệt là năng suất lọc và độ lưu giữ. Không chỉ bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, trong hơn 3 năm làm nghiên cứu sinh ở Đức, cô còn là đồng tác giả của 3 bằng  sáng chế về màng lọc đã được đăng ký gồm các bằng sáng chế (Patentschrift): 134443, 134447, 140703. Về nước, ngoài thời gian đứng trên bục giảng, cô đã dành hầu hết thời gian cho nghiên cứu về màng lọc với một tâm niệm rằng: Đã đầu tư vào nghiên cứu thì phải có kết quả, phải đưa màng lọc ứng dụng vào đời sống, sản xuất mang lại giá trị thực tiễn. Qua thăm dò nhu cầu ở trong nước, cô đã thấy được vai trò của sản phẩm này. Năm 1980, cô đứng ra làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ mang tên “Nghiên cứu chế tạo màng thẩm thấu ngược để làm ngọt nước biển”. Hoàn cảnh đất nước lúc ấy khó khăn, thiếu thốn mọi bề, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học vừa thô sơ lại cũ và lạc hậu. Vừa là một người mẹ, người vợ tần tảo gánh vác mọi công việc trong gia đình để chồng yên tâm công tác, cô vừa phải cân đối thời gian để cùng một lúc vừa đứng lớp cho sinh viên vừa thực hiện đề tài cùng đồng nghiệp. Tình yêu khoa học đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cuối cùng, sau 5 năm, đề tài đó đã được nghiệm thu và được đánh giá xuất sắc.

Năm 1985, cô lại đứng là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước mang tên “Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu” để điều trị cho các bệnh nhân suy thận. Ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng đề tài này rất khó có thể trở thành hiện thực, do đó không mấy người ủng hộ, kinh phí trong thời gian 2 năm đầu cũng chưa được cấp. Không nản lòng, cô động viên các cộng sự tìm mọi phương án để khắc phục, không để công việc bị gián đoạn. Khi dự án đã nhìn thấy những kết quả bước đầu, nguồn vốn mới được cấp xuống nhưng là cấp một cách “nhỏ giọt”. Công sức lao động của PGS.TS Lê Viết Kim Ba và đồng nghiệp cuối cùng cũng đã được đền đáp bằng việc cho ra đời thành công sản phẩm màng lọc máu đạt chất lượng tốt. Uy tín khoa học dần được khẳng định, từ năm 1991, dưới sự giúp đỡ của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Tổ chức Nhà thờ Đức MISEREOR, cô đã đưa vào hoạt động dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước “Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu” để hoàn thiện hơn và thực tiễn hóa đề tài đã được nghiệm thu. Sản phẩm màng siêu lọc máu của dự án với những lỗ rây ở kích thước phân tử, đạt chất lượng quốc tế khi đưa vào sử dụng đã tiết kiệm được khoảng 50 - 60% chi phí so với việc nhập màng lọc từ nước ngoài. Quả thực, để có được những kinh nghiệm, những bài học giúp đưa tới thành công đó, tập thể các nhà khoa học nói chung, PGS.TS Lê Viết Kim Ba nói riêng đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức…

Lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà PGS.TS Lê Viết Kim Ba theo đuổi xuất phát từ chính nhu cầu của thực tiễn đòi hỏi chính bởi vậy, trước khi thực hiện một ý tưởng, một đề tài bao giờ cô cũng lấy việc tìm hiểu kỹ lưỡng, thăm dò một cách cặn kẽ từ cuộc sống để từ đó định hướng nghiên cứu của mình. Từ thực tiễn, cô đã rút ra được nhu cầu của ngành Dược về các loại màng lọc dịch tiêm truyền (màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi khuẩn và màng tiền lọc…). Theo số liệu của ngành Y tế thì mỗi năm nước ta cần khoảng 10 triệu lít dịch truyền, 800 triệu ống thuốc tiêm để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Cho đến nay thì chỉ ở các nước phát triển mới sản xuất được các loại màng lọc dịch tiêm truyền chất lượng cao. Ngành Dược nước ta hầu hết phải nhập màng lọc từ các nước như Anh, Đức, Mỹ với giá thành rất đắt đỏ. Màng lọc nhập ngoại, không những tốn kém về tài chính lại không thể tự chủ động được về thời gian và độ bình ổn giá cả. Trước tình hình đó, PGS.TS Lê Viết Kim Ba đã tập trung nghiên cứu, tìm quy trình công nghệ sản xuất các loại màng lọc dịch tiêm truyền, quyết tâm tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, giá thành phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc ở trong nước. Sau một thời gian dài làm việc miệt mài với phòng thí nghiệm, với những thử nghiệm trong thực tế sản xuất, cuối cùng sản phẩm cần thiết cũng đã được sản xuất thành công. Cô nhớ lại: “Lúc ấy, loại màng lọc này được chúng tôi sản xuất từ Xenlulo Axetat, có cấu trúc bất đối xứng, cấu tạo bởi lớp hoạt động rất mỏng (0,1 - 1 Mm) và lớp đỡ xốp (dày khoảng 300 Mm). Vì cơ chế tạo màng đã được chúng tôi tìm ra nên không những điều chỉnh được độ dày của lớp hoạt động mà còn điều chỉnh được kích thước lỗ tại lớp hoạt động theo từng trường hợp…”. Với mục đích nhanh chóng đưa những kết quả nghiên cứu này vào ứng dụng thực tế, trong thời gian từ 1999 - 2002, cô và các đồng nghiệp đã được Bộ Khoa học & Công nghệ tin tưởng giao cho thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi trùng và màng tiền lọc”. Mỗi lần thử nghiệm là một lần cô và cộng sự rút ra được những kinh nghiệm, sáng tạo và cải tiến ở một số khâu để nâng cao chất lượng sản phẩm như tăng mật độ lỗ, giảm độ dày lớp hoạt động, để nâng cao năng suất và độ lưu giữ của màng lọc. Với những đặc tính ưu việt, dự án đã được hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu và đánh giá xuất sắc bởi “màng lọc đạt chất lượng tương đương với màng lọc của các nước phát triển về tốc độ lọc, độ trong của dịch lọc và không thôi tạp các tạp chất và dịch truyền…”. Bộ Y tế đã cấp giấy phép để cơ sở chế tạo màng lọc do PGS.TS Lê Viết Kim Ba làm giám đốc được phép sản xuất và lưu hành các loại màng lọc dịch tiêm truyền với các kích thước lỗ lọc khác nhau. Sản phẩm được mang tên DIAMOND và thương hiệu màng lọc DIAMOND chính thức được thị trường biết tới và được khẳng định. Cho đến nay, màng lọc DIAMOND do PGS.TS Lê Viết Kim Ba và cộng sự sản xuất ra đã được ứng dụng tại hơn 20 cơ sở trong cả nước trong đó có Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương II, một số xí nghiệp Dược phẩm ở TP. Hồ Chí Minh và ở nhiều tỉnh thành…

Mấy chục năm gắn bó tâm huyết với việc nghiên cứu và chế tạo các loại màng lọc, những kết quả mà PGS.TS Lê Viết Kim Ba cùng với đồng nghiệp đạt được đã mở ra một hướng đi sáng lạn cho ngành sản xuất màng lọc ở Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đó, cô bảo: “Tôi dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu một số màng lọc mới ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm như bia, các loại nước ngọt, nước giải khát… cũng như các loại màng lọc để xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Mong rằng một ngày không xa, công nghệ màng lọc sẽ được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống…”.

Chia tay với nhà khoa học nữ tài năng, nghị lực, nhân hậu và cởi mở tôi có một niềm tin chắc chắn rằng cô và các đồng nghiệp sẽ thực hiện được thành công mục tiêu đưa màng lọc ra sản xuất rộng rãi và chế tạo thành công những bộ lọc hoàn chỉnh để không những phục vụ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu sang các nước lân cận…

Minh Trường - Ảnh: Bùi Tuấn [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» PGS.TS Bùi Hiền - Người không ngừng sáng tạo với tiếng Nga
» GS.TSKH Nguyễn Văn Hùng: “Được nghiên cứu khoa học là niềm hạnh phúc của tôi”
» Thầy Khoả của chúng tôi
» Nhà Balzac học Lê Hồng Sâm với “ốc đảo - tháp ngà”
» Giáo sư Đỗ Đức Hiểu
» Về một nhà vật lý đáng kính
» Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam
» GS. Lâm Ngọc Thiềm, người cựu chiến binh - thầy giáo trên giảng đường hôm nay
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn