Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960242
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Về một nhà vật lý đáng kính
NGUT.PGS Hoàng Hữu Thư

Gần như cả cuộc đời mình, ông đã dành hết cho khoa học và sự nghiệp giáo dục. Ông thuộc thế hệ đầu tiên, xây dựng, vun đắp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây. Ông là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành Vật lý hạt nhân ở nước ta. Ông luôn là một người thầy đáng kính trong tâm tưởng của bao thế hệ sinh viên của khoa Vật lý trường ĐHTHHN trước đây, nay là ĐHKHTN thuộc ĐHQGHN... Người đó là NGUT.PGS Hoàng Hữu Thư.

  Tôi tìm đến gia đình của Thầy vào một buổi tối, trời khá lạnh. Đó là một ngôi nhà khiêm tốn, nằm sâu trong khu tập thể Trương Định. Thực ra tôi rất lưỡng lự, đắn đo khi quyết định đến và trước đó đã gọi điện báo trước. Thầy vừa mới mất không lâu, đến để hỏi chuyện, lấy tư liệu viết bài, e không tiện? Nhưng nếu không đến, thì không biết tìm đâu ra những thông tin, tư liệu cần thiết để viết bài về Thầy? Thế thì phải đánh bạo thôi! Tiếp tôi, có vợ của Thầy - cô giáo đã nghỉ hưu Đào Phương Nga, và cô con gái út Hoàng Ngọc Tú. Không thế giấu được nổi đau thương, nhưng thật may, cả hai người đều chuyện trò rất chân tình với tôi. Chị Tú nói trong nước mắt: “Mình không thể nói gì hơn được ngoài từ tuyệt vời đối với bố mình. Với mình, bố là tất cả!... Cả cuộc đời, bố mình đã dành cho Khoa, cho Trường...
Nhà giáo Hoàng Hữu Thư sinh năm 1931 tại xã Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình trí thức có tham gia phong trào Xô viết Nghệ tĩnh năm 1930. Lúc nhỏ thầy theo học trường làng. Tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, Thầy được cử sang Trung Quốc, tiếp tục theo học ở Khu học xá Trung ương nước bạn. Về nước Thầy hoàn thành chương trình đại học với chuyên ngành Vật lý tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau thời gian đó, Thầy lại tiếp tục theo học và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý hạt nhận tại trường Đại học New Delhi - Ấn Độ. Năm 1958, sau khi từ Ấn Độ về, Thầy trở thành giảng viên khoa Vật lý, trường ĐHTHHN. Từ năm 1976 đến 1978, Thầy Hoàng Hữu Thư làm cộng tác viên nghiên cứu khoa học tại Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúpna, Liên Xô cũ.
Với tư cách là trưởng ngành Vật lý Hạt nhân - Nguyên tử, Thầy Hoàng Hữu Thư cùng với các đồng nghiệp như Đàm Trung Đồn, Phan Văn Thích, dưới sự giúp đỡ của các đồng nghiệp người Nga trong một thời gian ngắn đã xây dựng nên kế hoạch đào tạo hệ đại học 4 năm. Đây được xem là đóng góp to lớn nhất của Thầy đối với khoa Vật lý nói chung và Trường nói riêng, bởi cho tới hôm nay, khoa Vật lý, cũng như chuyên ngành Vật lý hạt nhân vẫn tiếp tục xây dựng chiến lược đào tạo trên tinh thần cơ bản của kế hoạch đó. Tham gia trên nhiều cương vị quản lý như Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm rồi Bí thư chi bộ khoa Vật lý Hạt nhân, Thầy Thư cùng các đồng nghiệp đã xây dựng khoa Vật lý từ những cơ sở nghèo nàn ban đầu thành một khoa có 5 bộ môn với nhiều phòng thí nghiêm hiện đại đáp ứng được nhu cầu đào tào cũng như nghiên cứu khoa học thực tiễn. Rất nhiều thế hệ những cán bộ, nhà khoa học, sinh viên hôm nay đã trưởng thành luôn nhắc đến Thầy Thư với tất cả sự kính trọng và khâm phục. Nhiều người trong số họ, tiếp tục theo chân Thầy mình, trở thành các nhà giáo, ngay tại bộ môn Vật lý Hạt nhân, khoa Vật lý, trường ĐHKHTN hiện nay. Đó là thầy Nguyễn Triệu Tú, thầy Phạm Quốc Hùng... những gì họ có được hôm nay, một phần chính từ công lao ngày nào của người Thầy đáng kính của họ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Trường phải đi sơ tán ở Đại Từ, Bắc Thái, Thầy đã cùng các đồng nghiệp khắc phục mọi khó khăn, chăm lo tốt đời sống của cán bộ và sinh viên để vẫn đảm bảo chương trình giảng dạy một cách có chất lượng. Chăm lo công việc giảng dạy, công việc đào tạo, nghiên cứu khoa học là những niềm đam mê bất tận của Thầy Hoàng Thư cho đến tận cuối đời.
Một trong những công việc đầu tiên khi Thầy Hoàng Hữu Thư về Trường là nghiên cứu đề soạn bộ giáo trình về chuyên ngành vật lý Nguyên tử - Hạt nhân. Đây là một ngành học rất mới mẻ vào giai đoạn đầu của trường ĐHTHHN, nên việc tìm các tài liệu tham khảo, giảng dạy rất khó khăn. Thầy tự mình tìm, dịch và tập hợp các bài giảng rồi cung cấp cho sinh viên: Hai tập Vật lý nguyên tử được Thầy soạn từ 1964 đến 1967; đến năm 1971, 1972 là các cuốn Cấu trúc hạt nhân, Vật lý hạt nhân. Công trình cuối cùng, mà theo nhiều người kể rằng Thầy rất tâm huyết, là bản dịch bộ Vật lý đại cương (6 tập) - Foundamentals of Physics của nhóm tác giả Davit Halliday, Robert Resniek và Jearl Walker. Đây là bộ giáo trình Vật lý đại cương nổi tiếng của Mỹ. Nó cũng là món quà của một giáo sư người Mỹ tặng Thầy khi đến thăm trường ĐHTHHN. Năm 1995, khi đang tiến hành dịch công trình này, Thầy đổ bệnh nặng và 2 năm sau thì Thầy chính thức nghỉ hưu. Bởi bệnh nặng, nên từ đó Thầy không thể theo đuổi được công trình tâm huyết của mình. Song song với các công việc liên quan tới đào tạo giảng dạy, Thầy Thư còn là chủ biên hoặc tác giả của rất nhiều công trình khoa học từ cấp Trường, đến cấp Bộ rồi Nhà nước. Hầu hết những công trình đó, đều có giá trị thực tiễn lớn. Có thể kể ra đây một số công trình: Nhiễm xạ nước mưa, bụi lắng, lương thực thực phẩm; Nhiễm xạ thực phẩm uống ở Hà Nội, Nhiễm xạ thuốc lá và nguyên nhân gây ung thư phổi;... Đáng chú ý nhất là đề tài cấp Nhà nước Biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam, một công trình có ý nghĩa quan trọng và được dư luận rất quan tâm.
Với những đóng góp to lớn đối với nền giáo dục Việt Nam và công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, năm 1980, Thầy Hoàng Hữu Thư được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, năm 1985 được tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhất. Sau 32 năm đến với nghề giáo viên, năm 1990 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, một sự ghi nhận đầy sâu nặng của xã hội đối với một người Thầy. Ngoài những danh hiệu đó, Thầy còn được Nhà nước, Đảng các tổ chức trong và ngoài nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Không chỉ đam mê với việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học Vậy lý, Thầy Thư còn là một người rất am hiểu Văn học, văn hoá. Nhiều người thấy ở Thầy một tính cách, tâm hồn mang đậm tinh thần phương Đông: phóng khoáng, giàu tình cảm, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và hết lòng thương yêu vợ con. Thầy cũng đã hướng hai người con của mình đi theo con đường nghiên cứu khoa học về Vật lý. Anh con cả hiện nay làm việc là tại viện nghiên cứu Vật liệu - Vật lý, thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, còn người con gái đang tu nghiệp ở Đức. Nói chuyện với tôi, cô Đào Phương Nga nghẹn ngào: Cái hồi năm 95 khi nhà tôi đổ bệnh là lúc ông ấy đang cố để dịch bộ Vật lý đại cương. Ông ấy vốn đã bị huyết áp cao, lại tham làm việc quá nên mới đổ bệnh nặng. Trước đó tôi và mọi người khuyên can nên làm việc vừa thôi, nhưng ông ấy đâu có nghe. Bệnh ập đến nhanh và nặng quá, thế là từ hồi đó nhà tôi đành bỏ dở tất cả công việc...Ngày 30/12/2002 vừa rồi, Thầy đã qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, học trò. Không thương tiếc sao được trước một con người như vậy. Con gái Thầy từ Đức bay về chịu tang bố, mấy hôm nữa lại sang đó để tiếp tục việc học hành. Một nỗi đau, sự mất mát đè nặng lên người chị, nhưng không thể làm gì khác ngoài những giòng nước mắt tức tưởi. Thời gian đã đưa đi tất cả. Cũng như Thầy Hoàng Hữu Thư cả cuộc đời đã dành hết cho khoa học và sự nghiệp trồng người. Nói như người vợ của Thầy, nếu Thầy đừng quá ham làm việc như vậy, thì biết đâu, lúc này... Nhưng biết làm sao được, như thế mới là Thầy Hoàng Hữu Thư.
Giờ thì Thầy đã thành người thiên cổ. Tôi không được học Thầy giờ nào nhưng từ đâu đó trong tâm thức, tiếng Thầy vẫn vang lên với âm điệu trân trọng, tự hào. Tôi xin kết thúc trang viết này như muốn thắp một nén hương trước hương hồn người Thầy - một nhà Vật lý đáng kính.

Lưu Trần
Bản tin ĐHQGHN số 150, ra tháng 1/2003 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» PGS.TS Bùi Hiền - Người không ngừng sáng tạo với tiếng Nga
» Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam
» GS. Lâm Ngọc Thiềm, người cựu chiến binh - thầy giáo trên giảng đường hôm nay
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn