Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960214
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Thầy Khoả của chúng tôi

Anh Phạm Thành Hưng kể với tôi một kỷ niệm về thầy mà mãi mãi anh không quên. Hồi học xong năm thứ nhất, anh cùng một số bạn trong khoá tòng quân. Khi các anh hoàn thành nghĩa vụ trở lại khoa, thầy đã đem những bài thi năm xưa ra trả. Thầy bảo với các anh đại khái rằng, thầy muốn giữ lại bài thi của các anh khi các anh phải đội bom, đội đạn để các anh có đường mà trở lại với thầy, với khoa...

Khi tiễn đưa một con người về cõi vĩnh hằng, ta chợt hiểu vị trí của người ấy ở trong ta. Nhưng lòng thương đó cũng là một thứ lửa, có thể cháy lên cũng có nghĩa là có thể nguội tắt. Vì thế vào lúc mà kỷ niệm về người ra đi nhạt nhoà trong lòng người sống, một cái chết mới chiến thắng hoàn toàn. Vì thế, lòng thương nhớ cũng là thước đo cho sự tồn tại, cho sự sống. Chỉ có điều, với thước đo này, sự sống được bền lâu không phải vì được níu kéo, vì ước muốn của riêng ai mà chỉ vì phẩm cách, tấm lòng của con người lúc sống. Phải chăng, đó cũng là lý do khiến chúng tôi nghĩ nhiều, nhớ nhiều về thầy Nguyễn Văn Khoả, dù ngày chúng tôi đã đưa tiễn thấy về nơi yên nghỉ cuối cùng cách đây đã gần 15 năm.

Tôi có được may mắn vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của thầy. Nhưng hồi tôi mới ở lại trường, thầy dạy văn chương cổ Hy Lạp và Phục hưng phương Tây, còn tôi thì được phân công nghiên cứu văn học Mỹ - Latinh. Chỉ vì tôi vốn xuất thân là một người nông dân mặc áo lính và thầy cũng vậy, cho nên, sự gần gũi có thể nói, đã đến ngay từ phút đầu làm quen, dù chúng tôi thuộc hai sắc lính khác nhau, thầy chống Pháp còn tôi chống Mỹ. Một hôm thầy bảo: "Chủ nhật, ra 15A Trần Hưng Đạo gặp tao!".

Tại 15A - Trần Hưng Đạo, thầy ở trong một căn phòng rất cũ kỹ, đã lâu không được sửa sang, đồ đạc tuềnh toàng, đến một cái bàn viết ra hồn cũng không có. Sát tường, đối diện với cửa ra vào kê một chiếc giường đơn. Xung quanh tường chỉ có sách là sách, bày trên những cái giá xiêu vẹo. Đây đó, một hai bức chân dung tự hoạ, một hai bức tranh phác thảo chì, hoà lẫn vài câu châm ngôn lấy từ lời Mác hoặc Lênin. Khi tôi đến, thầy bảo: "Ở đây, trưa tao nấu cơm cho mà ăn". Thầy xuống nhà mua lên hai cốc chè tươi, vài điếu thuốc thủ đô và chúng tôi ngồi trò chuyện. Có lẽ thầy trò chúng tôi đã nói về đủ thứ trên đời nhưng tuyệt nhiên không có chuyện gì dính dáng đến văn chương. Lúc đầu tôi nói là chính. Thầy chỉ nghe và gật. Khi cảm thấy màn độc thoại của tôi đã hơi quá đà, tôi hỏi thầy về chuyện học ngoại ngữ vì nhà thầy có nhiều sách tiếng Pháp và tiếng Nga. Thầy bảo: "Cứ học rồi khắc biết”. Rồi đến lượt thầy nói, tôi nghe. Thầy chỉ nói về nấu nướng. Có lẽ vì thầy thấy tôi cũng ở một mình trong cái gác xép gầm cầu thang mà lại không tự nấu ăn, cứ ỷ vào bếp ăn tập thể để rồi cứ đói ngay sau khi ăn. Thật ra, tôi chưa biết nấu nướng. Những món mà thầy dạy tôi hồi ấy chỉ là những món mà bây giờ ta chẳng thấy có gì đặc biệt: rau muống luộc, đậu sốt cà chua chẳng hạn. Nhưng ngày ấy, có tiền mua mỡ rán đậu vào bất cứ khi nào mình thích thì cũng đã là oách lắm rồi. Tôi vừa nghe, vừa nghĩ, chắc thầy phải nấu bếp cừ lắm. Đến gần trưa, thầy cho tôi nhặt rau, vo gạo còn thầy thì thị phạm chuyện bếp núc. Cơm chín, tôi dẹp cái bàn nước làm bàn ăn và bày lên đúng hai món mà thầy đã dạy tôi kỹ nhất là rau muống luộc và đậu sốt cà chua. Bữa cơm rất vui. Chỉ có điều đặc biệt là thầy ăn cũng được còn tôi thì không ngon bằng ăn cơm ở bếp ăn tập thể: cơm còn lật sật, rau chưa chín tới. Nhưng tôi cố ăn để chứng minh là mình ăn khoẻ như tôi đã khoe với thầy. Sau này nghĩ lại chuyện ăn uống của thầy, có lúc tôi ứa nước mắt. Không phải là thầy không sành ăn. Tôi nhớ là lúc nhận được tiền nhuận bút tập đầu tiên trong bộ "Thần thoại Hylạp”, thầy đã đưa tôi đi ăn hiệu rõ sang và tỏ ra là một người sành điệu. Nhưng cuộc sống độc thân quá lâu đã khiến thầy chỉ lo chuyện ăn uống ở nhà qua quít. Hai người em gái của thầy rất thương anh nhưng phần vì không ở cùng, phần vì tính thầy thích sống độc lập, không thể chăm lo cho thầy thường xuyên được. Chính việc ăn uống như thế cộng với những căn bệnh chiến trường và tình trạng làm việc quá sức liên miên đã khiến thầy suy sụp về sức khoẻ từ khi còn rất trẻ và ra đi ở độ tuổi năm mươi. Vì với công việc, thầy lại có cách ứng xử khác hẳn chuyện ăn uống.

Tác giả mà thầy thích nhất có lẽ là Ăngghen, người đã viết "Nguồn gốc của hôn nhân, gia đình và chế độ tư hữu". Thầy có trong tay bản dịch tác phẩm ra tiếng Việt, nhưng thầy vẫn thường xuyên so sánh bản dịch này với các bản dịch tiếng Pháp và tiếng Nga. Không thể nói rằng thấy rất giỏi ngoại ngữ. Thầy nói và nghe cả tiếng Pháp lẫn tiếng Nga đều rất khó khăn. Nhưng thầy sử dụng hai ngoại ngữ ấy để đọc một cách thành thạo. Thầy vẫn tự mình đọc, tự mình suy ngẫm. Sách và từ điển đều giở đi giở lại đến nát bét. Chỗ nào khó quá thì hỏi bạn (tiếng Nga, hỏi ông Nguyễn Kim Đính; tiếng Pháp, hỏi ông Đỗ Đức Hiểu). Khi tôi biết rằng, toàn bộ vốn liếng ngoại ngữ của thầy đều là tự học, tôi đã không thể tin nổi. Cả vốn văn hoá cũng thế. Việc thầy vào đại học văn khoa là một sự phấn đấu khác thường vì theo những gì tôi biết, trước đó, thầy chưa được chuẩn bị kiến thức phổ thông một cách hệ thống. Nhưng từ khi ra trường, thầy đã dày công nghiên cứu về chủ nghĩa Mác, về văn hoá cổ đại Hy Lạp và Phục hưng phương Tây, viết được một số công trình mà hiện nay vẫn còn có giá trị, như cuốn "Anh hùng ca của Hơmerơ” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1978), dày hơn 500 trang với một nội dung phong phú và một sự khảo cứu hết sức công phu. Bộ thần thoại Hylạp nhiều tập đến nay đã được tái bản nhiều lần không phải là một công trình biên dịch mà là một công trình trước tác và khảo cứu, trong đó thầy kể lại kho tàng thần thoại Hylạp với một văn phong thực sự độc đáo và chú giải kỹ càng các lớp nghĩa của chúng. Bộ sách này sẽ còn hữu ích cho nhiều thế hệ sinh viên và bạn đọc. Một đồng nghiệp của tôi có nhận xét rằng, tự học để thành tài là nét đặc trưng của thế hệ thầy, thế hệ đã bước lên giảng đường ngay khi buông tay súng không lâu. Nhưng cần phải nói thêm rằng trong cả một thế hệ tự học ấy, thầy là người đã phấn đấu với một nghị lực khác thường. Có lẽ cũng từ thói quen đòi hỏi ở mình rất nhiều mà thầy "không khoan nhượng" với việc học của lũ học trò chúng tôi.

Từ nơi thầy ở vào trường khá xa nếu đem so với cái xe đạp cọc cạch và với tình trạng sức khoẻ kém của thầy. Vì thế, tôi thường coi thi hộ thầy và mang bài ra tận nhà cho thầy chấm. Một hôm, liếc qua tập bài sắp trả, tôi thấy điểm dưới trung bình nhiều quá. Đầu đề thầy ra nói như ngôn ngữ giới trẻ bây giờ, là một "cú lừa" ngoạn mục: thầy bắt chứng minh một ý kiến của Biêlinxki, nhà phê bình vĩ đại người Nga, về Hamlét, nhưng là một ý kiến không đúng. Một vĩ nhân cũng có thể lầm lẫn chứ. Ta yêu họ thì cũng đừng tin họ chỉ vì họ là vĩ nhân. Vì thế, hễ anh chị học sinh nào, dựa vào uy tín của Biêlinxki mà phán, thì thi lại. Trong số những người được điểm kém lần ấy, có một thương binh. Tôi bèn thưa với thầy (lúc ấy tôi đang là trợ lý giáo vụ của khoa): "Thầy xem có nâng điểm được cho anh này không? Diện chính sách đấy ạ!". Thầy lắc đầu: “Bảo nó ra đây. Thằng này sẽ làm lãnh đạo, phải bắt nó học". Về khoa, tôi bảo anh bạn sinh viên nọ ra gặp thầy. Anh đi từ trưa, mãi tối mới về. Ghé qua căn gác xép của tôi, anh bảo: "Thầy tóm tắt lại những điều đã dạy và bảo tôi về học để thi lại". Thầy vẫn thương và nâng đỡ chúng tôi theo cách như vậy. Nhiều lần thầy tâm sự với tôi rằng, muốn cho sinh viên giỏi, phải bắt họ nghĩ bằng cái đầu của họ, tự tìm ra và phát biểu chính kiến của họ. Và thầy trung thành với nguyên tắc ấy. Nhưng cho dù có đến một nửa số sinh viên thi lại, cũng không ai bảo là thầy "ác". Vì cách xử sự của thầy với sinh viên thường thấm đẫm tình người. Anh Phạm Thành Hưng kể với tôi một kỷ niệm về thầy mà mãi mãi anh không quên. Hồi học xong năm thứ nhất, anh cùng một số bạn trong khoá tòng quân. Khi các anh hoàn thành nghĩa vụ trở lại khoa, thầy đã đem những bài thi năm xưa ra trả. Thầy bảo với các anh đại khái rằng, thầy muốn giữ lại bài thi của các anh khi các anh phải đội bom, đội đạn để các anh có đường mà trở lại với thầy, với khoa. Tình cảm của thầy đối với người ra đi có khác gì tình cảm của người cha ngóng trông con nơi chiến trận. Trong số những giấy tờ mà thầy để lại chắc sẽ còn những bài thi không có người nhận vì không ít bạn bè chúng tôi đã không trở lại trường sau những năm tháng chiến đấu và thầy vẫn trân trọng giữ những bài thi ấy như giữ những kỷ vật thân thương.

Nhưng thầy không chỉ có tình yêu đối với người khác mà thầy cũng có nỗi buồn vì người khác. Việc thầy không được phong danh hiệu giáo sư cùng với những người cùng trang lứa không phải không khiến thầy chạnh lòng khi thầy tự đánh giá là mình chẳng kém cỏi gì ai. Nhưng một hôm thầy bảo, đại ý, chuyện phong tặng là chuyện chính sách, mà chính sách thì có hẹp hòi với riêng ai đâu. Cái đáng buồn là thế thái nhân tình. Thế rồi thầy lại bảo, tao biết có vị khai quốc công thần mà vẫn cứ lấy việc mình chưa bị giết làm mừng. Xem ra, mình vẫn còn may chán. Tôi chẳng biết vị khai quốc công thần ấy là ai, sống vào thời nào, nhưng tôi cũng không dám hỏi. Riêng chuyện thế thái nhân tình thì sau này, khi tôi chăm sóc thầy trên giường bệnh tại Paris, tức là khi thầy biết mình chẳng còn sống bao lâu nữa, thầy có tâm tình với tôi. Lúc ấy, tôi đã đủ lớn để không ngạc nhiên về sự sâu thẳm của lòng người nhưng cũng bị sốc khi nhớ lại nụ cười hay vẻ thân thiện của ai đó. Rồi thời gian cũng xoá đi trong tôi sự buồn lòng. Tôi hiểu, con người có phải là thánh nhân đâu. Riêng thầy, dù thiệt thòi hay bực tức, thầy vẫn cứ sống như thầy quan niệm cần phải sống như thế. Dưới đây là một ví dụ.

Thầy là người thẳng tính. Thẳng đến mức đôi khi vượt quá cả giới hạn của sự tế nhị. Có chuyện gì không bằng lòng là nói ngay, không kiêng dè gì hết. Nhưng đằng sau những lời gay gắt, là một tấm lòng thật thân ái bao dung. Tôi biết có người thầy đã đe là sẽ "cho một bài học" nhưng khi biết người ấy có chuyện không vui, thầy vẫn thương, dù dấu kín những tình cảm của mình. Thầy ghét thói bợ đỡ, xu nịnh, nhưng vừa mắng người ta xong, thầy lại bảo tôi: "Cái tính thằng ấy nó thế, chả làm sao sửa được”. Đối với chế độ mà thầy đã tự nguyện cầm súng để bảo vệ, thầy chăm chú dõi theo từng bước đi của nó. Khi thấy một số hiện tượng tiêu cực của cán bộ, thấy bức bối như chính mình bị xúc phạm. Cho nên, viết lời giới thiệu cho vở kịch "Ơđip – Vua", thầy nhắn nhủ một câu: Hãy làm người cộng sản như Ơđip. Tức là hãy trung thực như Ơđip, hãy dám chịu trách nhiệm như Ơđip. Cuốn sách in xong, thầy đạp cái xe đạp cà tàng, đầu đội nón lá, chân đi dép lốp, vào chơi với tôi. Hôm ấy thầy rất vui. Thầy bảo tôi: “Ơđip in rồi”. Tôi chúc mừng thầy, vì thầy lại có một công trình nữa được công bố mà không biết điều đáng chúc mừng chỉ là một câu thầy đã viết trong ấy thôi. Trò chuyện với thầy tôi mới hiểu, niềm vui đối với thầy không phải ở chỗ, thầy đã cho là đã viết được một câu có cánh hay là khác người mà là ở chỗ, thầy thấy tin, vì sách đã được in tức là Đảng có thiện chí lắng nghe. Tấm lòng của người quần chúng đối với Đảng thật là đầy đặn.

Lũ học trò chúng tôi vẫn thường nghe thầy lên án những thói hư, tật xấu. Đôi khi chúng tôi, nhất là các bạn nữ, có cảm giác là thầy mắng mình. Nhưng không ai giận thầy. Thậm chí, có bạn nữ đã xung phong nâng khăn, sửa túi cho thầy, dù thầy dứt khoát từ chối, viện cớ này hay cớ khác. Gần thầy, tôi biết, đó là một con người đa tình, nhưng thất bại của mối tình đầu đã để lại những vết thương lòng quá lâu. Chàng trí thức trẻ yêu cô du kích hò hẹn năm xưa nơi địch hậu nhưng không thể cùng nhau xây dựng hạnh phúc vì những lý do ngoài tình yêu, nỗi buồn gặm nhấm thầy trong tim. Thầy đã sống độc thân gần hết cuộc đời cho đến khi gặp một người bạn, một họa sĩ, một thiếu nữ Hà Nội chính gốc, một người mà tôi kính yêu không chỉ vì tài năng, đức độ mà còn vì sự tương hợp đến lạ lùng với tính cách của thầy, đó la họa sĩ Đỗ Thị Ninh. Hai người hẹn nhau khi thầy đi công tác trở về thì làm đám cưới. Nhưng đám cưới đã không thành vì khi chị ra đón thầy ở sân bay, cuộc sống của thầy chỉ còn tính từng ngày. Trước đấy, một hôm nhìn ra bầu trời âm u ngoài cửa sổ của phòng bệnh tại bệnh viện Cochin, Paris, thầy hỏi tôi: "Trời lạnh lắm phải không?". "Đi mua cho chị Ninh một cái áo rét để chị ấy mặc đi làm”. Tôi đa cùng một bạn thực tập sinh tìm rất lâu, rồi lại tự mình quyết định mua tấm áo hộ thầy mà không giám chắc là nó vừa với người mặc. Lúc tôi mang áo về, thầy bảo giơ áo cho thầy xem. Thầy không nhận xét gì chỉ lẩm bẩm: "Không biết Ninh mặc có hợp không?”. Nơi đất khách quê người, thầy nhớ chị khôn nguôi. Các bạn tôi bảo rằng, người phụ nữ đáng kính đó đã chăm sóc thầy tôi như vợ chăm sóc chồng cho đến khi thầy trút hơi thở cuối cùng. Và khi tiến đưa thầy, đầu chị vấn khăn tang. Tôi mừng cho thầy tôi là thầy đã không phải ra đi trong cô đơn. Bởi vì, cho dù đồng nghiệp và học trò đã về tiễn đưa thầy rất đông, tôi vẫn nghĩ thầy sẽ buồn tủi nếu thiếu vắng người duy nhất là chị.

Hồi tôi mới ở lại làm cán bộ giảng dạy, bộ môn Văn học nước ngoài của tôi đăng ký mấy năm liền phấn đấu là tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Vì sức khỏe kém, thầy đau ốm thất thường, có khi bất ngờ phải bỏ lớp, ảnh hưởng đến chuyện phấn đấu của bộ môn. Thầy bèn gọi tôi ra và bảo: "Đọc giáo án đi, hôm nào tớ không vào dạy được thì xuống dạy cho sinh viên". Sau này, tổ cũng thấy việc tôi kiêm thêm giáo trình của thầy là hay vì số giờ dành cho môn học mà tôi phụ trách khi đó rất ít. Thế là tôi thành người kế nghiệp thầy. Công trình đầu tiên mà thầy trò chúng tôi định soạn chung là cuốn Lịch sử văn học Pháp Trung cổ và thế kỷ XVI. Nhưng chưa ai viết được dòng nào thì thầy đã ra đi. Khi thầy trò tôi từ biệt nhau tại Paris, thầy cầm tay tôi và bảo: "Cố mà học để về làm việc”. Thầy vẫn chỉ lo cho tôi. Tôi đã sống bên thầy được hơn 10 năm trước khi thầy về cõi vĩnh hằng. Kỷ niệm đầy ắp. Tôi biết rõ những sở thích của thầy: hội họa, nhạc cổ điển và bóng đá. Cho nên trong ngôn ngữ thường nhật của thầy, "sặc mùi bóng đá”. Một hôm tôi hỏi thầy xem tôi có nên tham gia soạn Từ điển văn học không vì tôi mới ra trường, thầy bảo: "Làm đi, đừng như đội Liên Xô, dẫn bóng sang vòng cấm địa đối phương lại hội ý công đoàn đã để phân công người sút thì suốt đời thua". Vậy mà khi bạn bè bảo tôi viết những dòng này, tôi không sao phác thảo được chân dung của thầy như tôi mong muốn. Tôi có thể hình dung khuôn mặt thầy thật rõ. Tôi nhớ cái nón lá. Tôi nhớ cái xe đạp nam hiệu "Thống nhất" cũ kỹ mà thầy vẫn đi. Tôi nhớ giọng hài hước mỗi khi thầy nói. Nhưng ngôn từ cứ lẩn tránh tôi. Có người bảo rằng hình ảnh thầy Khỏa với chiếc mũ lá và chiếc xe đạp cũ là hình ảnh biểu tượng của trí thức công nông, của nhà khoa học trưởng thành từ "gốc lúa, bờ tre hồn hậu". Điều đó đúng, nhưng tôi nghĩ, chưa đủ. Hình ảnh đó còn hàm chứa một phong cách sống tự do, lãng mạn nữa. Có lẽ vì vậy mà nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy thầy trên chiếc xe đạp Thống nhất ấy. Thong thả đạp, vì có gì mà vội nữa. Con đường in những vòng lăn của bánh xe ấy là con đường phiêu diêu, về với vĩnh hằng.

Bất chợt lúc này tôi nhớ tới lời thơ Huy Cận:

Cưỡi xe nhật nguyệt, cùng thiên nhiên

Làm bạn đi về nơi vô định

Xe đi về đâu ta chẳng biết

Chỉ có trời xanh là ta say.

Thầy Khỏa của chúng tôi đang bay trong cõi cao xanh chăng?

Phan Quý Bích [100 Năm Đại Học Đông Dương]
Các bài liên quan
» PGS.TS Bùi Hiền - Người không ngừng sáng tạo với tiếng Nga
» Nhà Balzac học Lê Hồng Sâm với “ốc đảo - tháp ngà”
» Giáo sư Đỗ Đức Hiểu
» Về một nhà vật lý đáng kính
» Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam
» GS. Lâm Ngọc Thiềm, người cựu chiến binh - thầy giáo trên giảng đường hôm nay
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn