Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 982602
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nhà Balzac học Lê Hồng Sâm với “ốc đảo - tháp ngà”

Là thành viên Việt Nam của Tổ chức Quốc tế nghiên cứu Balzac ở Pháp, Nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm được bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước yêu mến, nể trọng. Ngày 25-3-2003, trong buổi lễ trao tặng bà Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp, ngài Đại sứ Cộng hoà Pháp đã khẳng định những thành tựu nghiên cứu và vai trò của bà trong quan hệ hợp tác khoa học “sâu sắc và bền chặt” giữa hai bộ môn văn học Pháp thuộc trường Đại học Paris VII và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ).

- Là “ Nhà Balzac học” như bạn bè yêu quý cô thường gọi, là người am hiểu sâu sắc về Balzac, cô có thể cho biết đôi điều về những kỷ niệm trong quá trình nghiên cứu, giới thiệu Balzac?

Balzac là một trong những tác giả lớn nhất của nền văn học Pháp thế kỷ XIX, phần chương trình tôi giảng dạy. Tôi đã nghiên cứu, dịch, giới thiệu Balzac cũng như Stendhal, Flaubert, các nhà văn hàng đầu khác. Rồi do một ngẫu nhiên may mắn, năm 1982, cùng GS Đỗ Đức Hiểu sang thỉnh giảng tại trường Đại học Paris VII, tôi gặp GS Nicole Mozet, chuyên gia về Balzac, và được tạo nhiều điều kiện để tìm hiểu sâu hơn nhà văn này: dự bảo vệ luận án tiến sĩ về Balzac, tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về Balzac, đọc và làm việc tại nhà bảo tàng Balzac, thăm thành phố Tours quê hương Balzac cùng nhiều địa điểm, nhiều ngôi nhà từng được miêu tả trong Tấn trò đời… Thư viện Lovenjoul, nơi lưu giữ các bản thảo của Balzac, đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên, giờ đây tôi ngỡ còn nhìn thấy từng tập, từng tập các trang viết tay chi chít những chỗ gạch xoá, nhằng nhịt những dòng, những đoạn sửa chữa, thêm bớt, của con người khổng lồ dường như được sinh ra để chứng minh rằng tài năng chính là lao động và sự kiên nhẫn bền bỉ.

Sau này, khi quan hệ hợp tác về Văn học Pháp giữa hai trường được xác lập, GS Nicole Mozet là người chủ trì phía Pháp, còn tôi chủ trì phía Việt Nam. Việc hợp tác này đã có tác dụng lớn đối với sự hình thành những bộ sách như Lịch sử Văn học Pháp (11 tập, NXB Thế giới, 1990 - 1997), như Tấn trò đời (16 tập, NXB Thế giới, 1999 - 2001), những công trình thu hút được sự tham gia của đông đảo các giáo sư, giảng viên, các nhà chuyên môn thuộc nhiều trường ĐH và Viện nghiên cứu. Năm 1999, sang Việt Nam nhân dịp ra mắt những tập đầu tiên của Tấn trò đời, GS Nicole Mozet đã nói đến “sự gặp gỡ kỳ diệu thông qua Balzac” giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp, và rộng hơn nữa, giữa văn học, văn hoá của hai xứ sở.

- Trong các hoạt động kỷ niệm năm sinh (1799 - 1999) và năm mất của Balzac (1850- 2000) ở Pháp có hình thức xuất bản điện tử. Xin cô cho bạn đọc, học sinh, sinh viên ĐHQGHN được biết chút ít về nội dung, chức năng ứng dụng của hai bộ CD – Rom Balzac.

Bộ CD-Rom thứ nhất (do NXB Académia ấn hành năm 1999, với sự tài trợ của Bộ giáo dục quốc gia và Toà thị chính Paris) dành cho Tấn trò đời trọn bộ, nguyên bản cùng tiểu sử của văn hào, thư mục phê bình, hướng khai thác các tác phẩm, các chú giải, minh họa. Tác phẩm điện tử này là công cụ làm việc gọn nhẹ và hữu hiệu đối với người nghiên cứu, giảng dạy, đồng thời giúp độc giả thông thường “đọc” tiểu thuyết qua đĩa CD, từ đó gây hứng thú trở về với sách rồi quay lại đĩa. Đó còn có thể là trò chơi thú vị, thí dụ có thể tìm cách đi lại dọc ngang Tấn trò đời, qua các tỉnh của nước Pháp, theo dõi dấu vết các nhân vật… như một cuộc thám hiểm hoặc điều tra trinh sát. Bộ thứ hai là CD – ROM Tổng tập Balzac (do NXB Champion 2000) gồm Tấn trò đời với nhiều dị bản, các vở kịch, các truyện cười, các bài tựa phẩm. Công trình này có tính chất uyên bác, nhằm phục vụ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ngành hẹp. Phụ trách khoa học cả hai bộ là GS Nicole Mozet và một nhóm các nhà nghiên cứu.

Theo tôi biết, độc giả Việt Nam ít có điều kiện tiếp cận các bộ CD-Rom này. Trong khi đó, tìm bộ Tấn trò đời mới xuất bản ở thư viện Khoa, Trường, để học “ theo phương thức cổ điển” chắc là dễ dàng hơn. Vả chăng, như đã nói ở trên, ngay tại Pháp việc sử dụng CD-Rom Balzac cũng nhằm khơi gợi hứng thú nơi độc giả để họ trở về với sách, với văn hoá đọc.

- Quả thật, được tiếp cận bộ Tấn trò đời mới xuất bản đã có thể coi là một may mắn. Viết về bộ sách này, trong Tạp Chí Văn học số 5 – 2002, TS Lộc Phương Thuỷ đặc biệt nêu lên tính đồ sộ và nghiêm túc của công trình, do một tập thể dịch giả và nhà nghiên cứu thực hiện, do cô chủ biên, có “ban biên tập hiệu đính gồm các “ đại gia” trong làng nghiên cứu giảng dạy văn học Pháp: Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, Phùng Văn Tửu”. Xin cô truyền đạt lại cho thế hệ trẻ vài ý tưởng, vài kinh nghiệm về dịch thuật.

Người dịch văn học giới thiệu với độc giả không chỉ một tác phẩm, một tác giả mà qua đó là một thế giới khác, một nền văn hoá khác. Muốn dịch đúng, chẳng những phải hiểu sâu ngôn ngữ tác giả sử dụng, hiểu kỹ phong cách của tác giả, còn phải hiểu rõ xã hội và thời đại trong đó tác giả sống và viết, xã hội và thời đại tác giả thể hiện. Cho nên người dịch ngoài việc trau dồi khả năng cảm thụ văn học, khả năng sử dụng tiếng Việt (để có thể dịch hay), phải trau dồi kiến thức về ngôn ngữ, về văn hoá liên quan đến xứ sở, đến tác giả, tác phẩm mình dịch. Hoặc chỉ nên dịch những gì mình thật sự hiểu.

- Dịch thuật có vai trò hết sức quan trọng đối với văn học, với cuộc sống xã hội. Phát biểu về điều này, cô Đặng Thị Hạnh đã dẫn lời của nữ văn sĩ, nữ viện sĩ Hàn lâm Pháp Marguerite Yourcenar: “Tựu trung lại, ba phần tư cái chúng ta đọc là ở bản dịch…” Song dường như dịch thuật chưa được xã hội quan tâm đúng mức, có phải như vậy không thưa cô?

Đúng vậy, xưa nay, và không riêng ở nước ta, dịch giả là “người lao động gần như vô danh”, thường bị mọi người “ quên” tên khi họ trích dẫn, sử dụng tác phẩm dịch. Tuy nhiên, bên những dịch phẩm công phu, nghiêm túc, hàng ngày chúng ta gặp không ít bản dịch vội, dịch ẩu, nhất là trong tình trạng hiện nay, sách dịch lan tràn, nhiều khi xô bồ. Muốn người dịch, việc dịch được tôn trọng, tôi nghĩ trước hết người dịch cần tự tôn trọng và tôn trọng công việc mình làm.

- Vượt qua khó khăn, bất chấp tuổi tác, giữ được sức khoẻ và sự hăng say trong lao động khoa học, đạt tới thành công, phải chăng cô có một số “bí quyết”?

Trong cuộc sống, luôn có sự đan xen, tiếp nối giữa khó khăn và thuận lợi, rủi ro và may mắn, thành công và thất bại. Khi tự xác định được một bậc thang giá trị đúng đắn ta sẽ không bận tâm về những điều chẳng mấy đáng kể (mà có người lại cho là rất quan trọng) và sẽ không tốn sức vào những việc vô bổ. Để giữ sự cân bằng, thanh thản, để tự bảo vệ trước thực tại có lúc khắc nghiệt, mỗi người cần có, và vun trồng cho mình một “ốc đảo” tươi xanh gồm những người mình yêu thương trong gia đình, bè bạn, trong những người cùng có bậc thang giá trị tương tự. Bên cạnh đó, rất cần một khoảng hẹp, một hứng thú riêng, với người này có thể là chăm cây cảnh, người kia là sưu tầm chẳng hạn, còn với người làm khoa học thì đó là lĩnh vực chuyên môn mà bắt chước Flaubert, tôi gọi là “Tháp ngà”. Song, cũng theo Flaubert, dù có ở tháp ngà thì theo quy luật trọng lượng, những chiếc đanh ủng của nghệ sĩ vẫn kéo anh ta về phía mặt đất. Hết mình với công việc chuyên môn, quên đi nhiều thứ, dồn sức lực để làm tốt công việc dù nhỏ bé, đó chẳng phải là lẩn trốn cuộc đời, mà chính là đóng góp cho đời, tuy không to tát, song thiết thực.

- Xin chân thành cám ơn cô. Chúc cô luôn trẻ mãi.

Phương Thảo (thực hiện)
Bản tin ĐHQGHN số 149, ra tháng 7/2003 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» PGS.TS Bùi Hiền - Người không ngừng sáng tạo với tiếng Nga
» Giáo sư Đỗ Đức Hiểu
» Về một nhà vật lý đáng kính
» Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam
» GS. Lâm Ngọc Thiềm, người cựu chiến binh - thầy giáo trên giảng đường hôm nay
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn