Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 990427
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.TS Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1.10.1932, trong một gia đình trí thức, tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng quê có truyền thống cách mạng và hiếu học - nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Tứ đã được thừa hưởng những tư tưởng tốt đẹp của quê hương và gia đình. Vì vậy đã hình thành nên nhân cách hội tụ đủ tài năng, phẩm chất cách mạng trong con người Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng và đức độ. Đã có nhiều tên gọi kính trọng, thân thương của đồng nghiệp, bạn bè dành cho ông: "nhà khoa học chân chính và tài năng", "nhà khoa học tài năng", "người đặt nền móng cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam", "nhà chính trị tài năng, đức độ", "ngôi sao sáng trên bầu trời đất Việt"

Khi còn nhỏ, do điều kiện công tác của cha, nên Nguyễn Đình Tứ đã từng theo học nhiều trường khác nhau. Tuy nhiên, tại bất cứ trường nào, cấp học nào ông đều được đánh giá cao bởi trí thông minh, học giỏi và đam mê khoa học. Khi học lớp Đệ tứ niên trường Trung học Phan Đình Phùng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) ông vừa học vừa kèm cặp một người bạn và cả hai đã thi tốt nghiệp bậc thành chung, riêng ông đạt loại xuất sắc. Từ năm 1948 đến năm 1950, ông theo học tại Ban Toán - Lý thuộc Trường Trung học chuyên ban Huỳnh Thúc Kháng (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Bậc chuyên ban này có 3 năm nhưng ông chỉ theo học trong 2 năm, vì khi học xong năm thứ nhất đạt xuất sắc ông đã tự học chương trình năm thứ hai và được nhà trường cho thi thẳng lên năm thứ ba và trong kỳ thi tốt nghiệp chuyên ban (năm 1950) đã đỗ thủ khoa. Do có thành tích cao trong học tập và có quá trình phấn đấu tốt, tháng 12.1949 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi mới 17 tuổi và đang là học sinh phổ thông. Đây là một vinh dự lớn mà không phải ai ở hoàn cảnh như ông cũng có được.

Từ năm 1951 đến năm 1957, ông được Nhà nước cử sang Trung Quốc học tập. Tại đây ông đã theo học chuyên ban 2 năm tại Trường Khoa học Cơ bản mở tại Nam Ninh, Trung Quốc. Từ những năm 1951 - 1952, lúc chưa có ai nghĩ đến chuyện học tiếng Nga thì Nguyễn Đình Tứ và Hoàng Phương đã đọc được sách Toán bằng tiếng Nga để tự học và bồi dưỡng thêm về Toán ngoài chương trình được dạy ở Trường. Theo gương Nguyễn Đình Tứ, nhiều sinh viên Việt Nam trong khu học xá Nam Ninh cũng bắt đầu tự học tiếng Nga mà họ không thể ngờ rằng: tiếng Nga sẽ là một công cụ quan trọng bậc nhất giúp họ tiếp cận những tri thức khoa học - kỹ thuật hiện đại sau này. Trong điều kiện không có chiến tranh, ở một nơi yên tĩnh, và với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, Trường có điều kiện tổ chức tốt việc giảng dạy và học tập. Nhiều gương học tập xuất sắc xuất hiện. Trong Đại hội thi đua toàn Khu học xá Trung ương gồm trên 1.000 học sinh, sinh viên năm 1952, Nguyễn Đình Tứ là một trong hai người được bầu là "Học sinh gương mẫu" toàn Khu học xá. Ngay từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Đình Tứ đã là một tấm gương cho mọi người học tập về tinh thần chăm chỉ, cần cù, có hoài bão lớn, quyết tâm cao để vươn lên trong khoa học.

Từ năm 1954 đến năm 1957, ông học tại Trường Đại học Vũ Hán, chuyên ngành Thuỷ lợi - Thuỷ điện và tốt nghiệp đạt loại ưu rồi được giữ lại làm nghiên cứu sinh. GS. Lê Văn Thiêm biết Nguyễn Đình Tứ là sinh viên xuất sắc nên giới thiệu ông với Chính phủ và ông là 1 trong 3 người (cùng Dương Trọng Bái, Hoàng Phương) đã được cử sang học tập, công tác tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna (Liên Xô) - một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của Liên Xô và các nước XHCN thời đó. Có thể nói, đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động khoa học của GS. Nguyễn Đình Tứ. Từ tháng 8.1957, ông trở thành cộng tác viên khoa học trẻ của Phòng thí nghiệm năng lượng cao. Tại đây, dưới sự hướng dẫn và lãnh đạo của Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Vesler - người đề xuất nguyên lý và chỉ đạo xây dựng thành công ở Đúpna máy gia tốc Synchrophasotron tiên tiến nhất thời bấy giờ, nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Tứ đã cùng với các nhà khoa học của các nước XHCN khác tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị về vật lý hạt cơ bản. Bước vào một lĩnh vực cao về tri thức, ông lại phát huy tính tự học cả về chuyên môn, cả về tiếng Nga. Tại phòng thí nghiệm năng lượng cao, Nguyễn Đình Tứ hoà đồng nhanh chóng. Với bản tính cần mẫn, hăng say làm việc, khát vọng lớn về tri thức, chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã nhập cuộc và làm chủ các phương pháp thực nghiệm, nắm bắt khá sâu sắc những kiến thức Vật lý lý thuyết cần thiết và đi tiên phong trong sử dụng công cụ máy tính. Ông đã có những đóng góp xuất sắc trong những thành tựu nghiên cứu của tập thể khoa học quốc tế và trong 50 công trình khoa học đã công bố.

Năm 1962, tập hợp các công trình nghiên cứu trong 5 năm (1957 - 1962) ở Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna (Liên Xô) Nguyễn Đình Tứ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý và tiến sĩ ngành Vật lý hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Trong gần 11 năm, với hai thời kỳ (8.1957 - 6.1963 và 6.1966 - 6.1971) sống và làm việc ở Đúpna, ông nổi tiếng là nhà vật lý Việt Nam tài năng, có uy tín khoa học tầm cỡ quốc tế. Ở tuổi 30, nhà vật lý Nguyễn Đình Tứ đã thay mặt nhóm phát minh, trực tiếp báo cáo tại diễn đàn Hội nghị khoa học quốc tế ở các nước Tây Âu các kết quả phát minh: Phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đây về sự tạo thành phản hạt hyperon sigma âm, với khối lượng 2.340 lần lớn hơn khối lượng electron, tích điện dương, thời gian sống bằng một phần mười tỷ giây và phân rã thành các hạt pimeson dương và phản nơtron. Đánh giá công lao đóng góp và sự kiện trên, năm 1961, ngay sau khi công bố công trình, tác giả Nguyễn Đình Tứ cũng đã nhận được giải thưởng của Hội đồng Khoa học Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna, và năm 1968 được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam (năm 2000), Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng phần thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS. Nguyễn Đình Tứ về: "Cụm công trình phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao".

Ngay trong những năm tháng bận rộn ở phòng thí nghiệm Năng lượng cao Đúpna, Nhà vật lý Việt Nam Nguyễn Đình Tứ đã lại dành thời gian quan tâm, tìm hiểu một lĩnh vực khác có quan hệ với tương lai của đất nước: Năng lượng nguyên tử. Trong những năm cuối thập kỷ 60, ông đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình trong tập thể khoa học Việt Nam ở Đúpna do mình phụ trách những vấn đề tin học, về kỹ thuật lò phản ứng và điện nguyên tử.

Tháng 7.1971, Nguyễn Đình Tứ trở về nước với một bề dày kinh nghiệm và một kho tàng kiến thức phong phú trong lĩnh vực Vật lý hạt nhân, GS. Nguyễn Đình Tứ trở thành một trong những nhà lãnh đạo khoa học hàng đầu của nước ta. Sau 5 năm chuẩn bị, tập hợp các cán bộ khoa học hạt nhân có năng lực và tâm huyết, từ một phòng nghiên cứu thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước do ông lãnh đạo, ngày 26.4.1976, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Đà Lạt) trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, đến tháng 2.1979 trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, tháng 6.1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định đổi tên Viện Nghiên cứu hạt nhân thành Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia. GS. Nguyễn Đình Tứ được Chính phủ giao trọng trách là Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia từ ngày Viện được thành lập (tháng 4.1976) cho đến tháng 9.1993.

Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tinh giảm đầu mối cơ quan trực thuộc Chính phủ, từ tháng 9.1993 Chính phủ đã ra Nghị định chuyển Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia về trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đổi tên thành Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Từ tháng 9.1993, GS. Nguyễn Đình Tứ được giao đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho đến khi qua đời. Ngoài cương vị lãnh đạo, ông còn trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, làm chủ nhiệm các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước.

Tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày sinh GS. Nguyễn Đình Tứ (1.10.2002) PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh: "Dưới sự lãnh đạo của GS. Nguyễn Đình Tứ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, trong 20 năm đầu tiên, đã có những bước phát triển vững chắc. Từ một đơn vị nhỏ và đội ngũ cán bộ ít ỏi được tập hợp lại ban đầu, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, hình thành các hướng nghiên cứu triển khai quan trọng của ngành Năng lượng nguyên tử, từng bước thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất để chuẩn bị cho chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử... Mọi thành công của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hôm nay đều bắt nguồn từ cội nguồn sâu xa, từ những đóng góp ban đầu của GS. Nguyễn Đình Tứ. Ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng rất tự hào vì đã có một cán bộ đầu đàn, thông minh, trí tuệ, đức hạnh, tận tụy như GS. Nguyễn Đình Tứ".

Dù với tư cách nào của một cán bộ lãnh đạo khoa học: Tổ trưởng Tổ Toán - Lý thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1962 - 1966), Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1972 - 1976), Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976 - 1986), Viện trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (1976 - 1996), GS. Nguyễn Đình Tứ luôn luôn làm việc như một nhà khoa học kể cả ở tầm chiến lược lẫn trong các công việc khoa học cụ thể. Với những đóng góp to lớn nhất về mặt khoa học của mình, GS. Nguyễn Đình Tứ là người đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành Năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Ngoài những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, GS. Nguyễn Đình Tứ còn là một nhà giáo dục và quản lý giáo dục xuất sắc. Sau khi từ Liên Xô trở về nước (7.1971), ông được cử đảm nhận trách nhiệm Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau đó kiêm Chủ nhiệm khoa Vật lý và là Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì cũng là lúc nhà trường đang ở trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn. Vừa mới từ nơi sơ tán ở Đại Từ (Bắc Thái) về Hà Nội, công việc chuẩn bị, sắp xếp cơ sở vật chất và ổn định cuộc sống để bước vào dạy - học còn ngổn ngang bộn bề; trong khi đó, nội bộ nhà trường đang có những bất đồng gay gắt, tình trạng mất đoàn kết kéo dài nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. GS. Nguyễn Đình Tứ đã tích cực cùng tập thể lãnh đạo Nhà trường tìm mọi cách khắc phục, tháo gỡ khó khăn và đã nhanh chóng lấy lại được thế ổn định, từng bước đưa Nhà trường vào quỹ đạo hoạt động theo chiều hướng phát triển.

Vừa trở lại thế ổn định và đi vào hoạt động chưa được bao lâu, thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lại phải tạm gác bút nghiên để tham gia giúp dân chống lụt và khắc phục hậu quả của trận lụt cuối năm 1971 ở 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. GS. Nguyễn Đình Tứ thay mặt Ban giám hiệu trực tiếp chỉ đạo công tác này. Ngày đêm ông lặn lội xuống từng tổ lao động đôn đốc, thăm hỏi, động viên và cùng lao động với cán bộ, sinh viên, chia sẻ với cán bộ và sinh viên mọi khó khăn gian khổ. Nhiều đêm ông thức trắng cùng cán bộ, sinh viên xúc cát ở hồ Giảng Võ chuyển lên xe đưa đi hàn khẩu đê sông Đuống, tham gia cứu kho gạo Yên Viên, khắc phục hậu quả ở kho hoá chất, chuyển lúa gạo và đồ dùng gia đình của nhân dân Đông Anh ra khỏi vùng bị ngập lụt…, Qua đó, thầy và trò Nhà trường càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu và của cá nhân GS. Nguyễn Đình Tứ.

Với cương vị là Bí thư Đảng uỷ, Phó hiệu trưởng Nhà trường, GS. Nguyễn Đình Tứ đặc biệt quan tâm phát triển cơ cấu ngành học, chương trình, giáo trình cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng điều kiện cơ sở vật chất để phát triển Nhà trường xứng đáng là trường đại học trọng điểm đầu ngành về khoa học cơ bản của đất nước. Ông đã chủ trì đề án trình Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp mở thêm một số ngành học mới, thành lập một số khoa mới như Triết học, khoa Luật và Khoa Kinh tế Chính trị… đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội, điều chỉnh nội dung chương trình và thời lượng giảng dạy của các khoá đào tạo đại học. Mặc dầu bận rộn với công tác lãnh đạo, GS. Nguyễn Đình Tứ vẫn bố trí thời gian để trực tiếp giảng dạy sinh viên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, chủ trì và tham gia thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn lớn. Là một nhà giáo tận tụy với sinh viên nên Nguyễn Đình Tứ đã truyền lại phương pháp luận khoa học, tư duy logic, khái quát hóa, tổng hợp hóa và tác phong tỉ mỉ, cụ thể, chính xác giúp sinh viên nghiên cứu và học tập được thuận lợi. Thành tích xuất sắc trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ông đã được đồng nghiệp, Nhà trường và Nhà nước trân trọng và đánh giá cao.

Khoảng thời gian 5 năm (7.1971 - 3.1976) GS. Nguyễn Đình Tứ công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tuy ngắn ngủi, song dấu ấn về ông, một nhà khoa học tài năng, một cán bộ lãnh đạo năng động, tận tụy, hết lòng vì công việc vẫn mãi mãi in đậm trong tâm trí hàng ngàn cán bộ và sinh viên Nhà trường.

Từ năm 1976 đến năm 1986, GS. Nguyễn Đình Tứ lần lượt đảm nhiệm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên CNXH. Với cương vị lãnh đạo của mình, GS. Nguyễn Đình Tứ và các cộng sự đã đưa ngành giáo dục - đào tạo đi những bước táo bạo như: sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp miền Nam theo mô hình nhà trường XHCN thống nhất trong cả nước; mở 3 trường dự bị đại học để tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các đối tượng chính sách, dân tộc miền núi; thành lập tại các tỉnh trong cả nước 5 trường trung học chuyên nghiệp (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, sư phạm, văn hoá) để đào tạo lực lượng lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức - tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời. Bằng việc triển khai hàng loạt các chủ trương lớn, ngành đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam đã có một diện mạo mới như tiến hành đào tạo sau đại học, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ở trong nước; áp dụng công nghệ thông tin và công cụ hiện đại để tổ chức tuyển sinh; cử chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài làm việc; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống… Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng đến chất lượng đào tạo với việc phát động các phong trào dạy tốt - học tốt; cải tiến chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy; thi đua xây dựng mô hình trường tiên tiến… Một số các hoạt động khác phục vụ công tác đào tạo cũng được ông quan tâm chỉ đạo sát sao.

Cùng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, GS. Nguyễn Đình Tứ còn là một nhà chính trị có uy tín, một cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII; Uỷ viên Hội đồng Nhà nước khoá VIII, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội. Năm 1976, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bầu vào Ban bí thư Trung ương, được cử giữ chức Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương (khoá VII); được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương (khoá VIII). Ở bất kỳ cương vị công tác nào, GS. Nguyễn Đình Tứ đều dốc hết bầu nhiệt huyết, phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông luôn luôn nhận được sự tín nhiệm cao của Trung ương Đảng, của Nhà nước, sự tin cậy của đồng chí, sự quý mến, kính trọng của đồng nghiệp, bạn bè. Đồng chí Đỗ Mười đã viết về ông: "Tôi có ấn tượng tốt đẹp với người đồng chí rất dễ thương, dễ mến Nguyễn Đình Tứ. Nhân cách của anh là sự kết hợp hài hoà những phẩm chất và năng lực của một nhà khoa học lớn, một nhà sư phạm có kinh nghiệm và một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng. Sự hài hoà này đã giúp anh Tứ trở thành một cán bộ ưu tú của Đảng".

Ngày 28.6.1996, sau một tai biến bất thường, GS. Nguyễn Đình Tứ đã đột ngột từ trần, ông ra đi khi còn biết bao dự định đang chờ đợi phía trước. Ông đã để lại trong tâm khảm bạn bè, đồng nghiệp và gia đình hình ảnh một nhà khoa học chân chính, tài năng, đức độ; một người con hiếu thảo, một người chồng rất mực chung thuỷ, một người anh mẫu mực, một người cha - người ông gương mẫu và giàu lòng nhân ái.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển của ngành giáo dục đào tạo - khoa học của đất nước, GS. Nguyễn Đình Tứ đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng... Tháng 2.2004, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GS. Nguyễn Đình Tứ - một nhà khoa học tài năng, đức độ, có uy tín được giới trí thức trong nước và nước ngoài yêu mến và kính trọng./.

Nguyễn Văn [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Henri Gourdon
» PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
» PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức
» GS. Đinh Gia Khánh - Người thầy của những khởi đầu
» GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt
» GS. Ngụy Như Kontum - Thầy hiệu trưởng trường tôi năm ấy
» GS. Lê Đình Kỵ - Người thầy tài hoa nghệ sĩ
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn