Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 17 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 979449
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nhà thơ tình, nhà biên kịch - hai trong một con người

Hoàng Nhuận Cầm đã đến với đời hơn 50 năm, làm bạn với thơ hơn 30 năm, khoảng thời gian ấy chẳng hề ngắn ngủi trong tương quan với cuộc đời của một con người.

Bên cạnh một Nguyễn Duy già dặn, từng trải, một Nguyễn Đức Mậu còn vương lửa khói và đất bụi chiến hào, một Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhõm, giàu nữ tính là một Hoàng Nhuận Cầm trẻ trung, tươi rói như màu quân phục mới, như tiếng chim cất lên trên vòm me sân trường…” - tôi đã từng chép và thuộc lòng những nhận định ấy của Nguyễn Hoàng Sơn về Hoàng Nhuận Cầm đăng trên báo Tiền Phong, số 45, ngày 10/11/2002. Tôi nghe mọi người nhắc đến anh từ lâu, nhưng đây mới là lần gặp đầu tiên. Ngày trước, chị tôi bảo, anh là một thi sĩ đa tình với những bài thơ tình làm nao lòng bao bạn trẻ; em tôi thì tưởng tượng, anh là một ông bác sĩ Hoa Súng tài ba, hóm hỉnh, có thể chữa được những căn bệnh mà người khác phải bó tay; còn tôi lại quan tâm đến anh trước tiên vì anh cũng giống tôi, là cựu sinh viên của Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), hiện giờ là Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN)…

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại Khoa Văn học

Hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được thi sĩ của “tình yêu đầu tiên tuổi học đường”. Từ ngày Hoàng Nhuận Cầm lãnh thêm trách nhiệm là một nhà biên kịch ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam thì hầu như anh lúc nào cũng bận rộn. Nhớ có lần, một nhà báo lớn tuổi đã kể câu chuyện khi anh đến gặp để viết chân dung nhạc sĩ lão thành Hoàng Giác. Ông cụ đã tỏ ra rất vui và tự hào khi nhắc đến “tác phẩm”, người con trai đầu của mình - thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, người mà theo ông đã “có đóng góp ít nhiều cho nền văn học nước nhà”. Căn phòng gần chục mét vuông ở khu tập thể Hồng Hà (Hà Nội) chính là tổ ấm của hai vợ chồng anh, ngập tràn không khí… thời chiến. Những bức ảnh tư liệu ghi lại hình ảnh của nhóm sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ ngày 6/9/1971 cùng với Nguyễn Văn Thạc; những trang nhật ký ố vàng của Hoàng Nhuận Cầm được viết trong chiến tranh, trang nào cũng thấy bom nổ, máu đỏ, mùi khói bom, mùi cỏ cháy… và bên cạnh đó là cả những trang nhật ký không còn nguyên vẹn của bạn bè cùng nhập ngũ lứa ấy với anh còn sót lại. Hoàng Nhuận Cầm và đồng nghiệp đang dốc sức để kịch bản bộ phim “Mùi cỏ cháy” hoàn thành, không lỡ hẹn với vong linh của đồng đội đã nằm xuống. Ban đầu, các anh có ý tưởng chuyển thể tập nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc thành kịch bản điện ảnh. Nhưng đây là một việc làm vô cùng khó, nếu như không sáng tạo thêm các lớp lang sự kiện, hệ thống nhân vật, các tình huống tạo kịch tính… thì sẽ khó có tính thuyết phục. Hơn nữa, ý tưởng chuyển thể đã được ướm hỏi nhưng vài tháng trôi qua, phía gia đình liệt sĩ vẫn chưa có câu trả lời chính thức, nên dù rất “kết” “Mãi mãi tuổi 20” thì nhà biên kịch áo lính Hoàng Nhuận Cầm vẫn quyết định “chia tay” để bắt đầu viết một kịch bản mới, trong đó không chỉ có hình ảnh của một liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, mà còn có cả Đặng Thuỳ Trâm, Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân… đại diện cho một thế hệ ra trận và đã hy sinh cho độc lập của dân tộc. Nhìn Hoàng Nhuận Cầm lúc này, có cảm giác kịch bản “Mùi cỏ cháy” đã vắt kiệt sức anh. Anh nằm cạnh bàn viết, đầu đắp khăn ướt “cho hạ hỏa”, đọc từng phân đoạn để vợ chép lại. Không hiểu sao, tôi đứng như chôn chân ở bậu cửa thật lâu để quan sát cả hai vợ chồng anh say sưa lao động nghệ thuật, quầng sáng của niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng rạng ngời trên gương mặt mỗi người, lan toả khắp các ngóc ngách của tổ ấm nhỏ, xinh ấy...

Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Tốt nghiệp cấp III, anh thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 16). Bước chân vào năm thứ nhất của giảng đường đại học, cánh cửa cuộc đời như đã mở rộng với chàng thanh niên Hà thành tài hoa và nhiều mơ mộng. Có một kỷ niệm cho đến giờ, thỉnh thoảng bạn bè anh vẫn còn nhắc lại, đó là Hoàng Nhuận Cầm học văn rất giỏi, đặc biệt là có năng khiếu về thơ. Có lần, cả nhóm bạn đang đi chơi với nhau, qua tòa soạn báo Nhân Dân, bỗng Cầm nảy ra một ý thơ, xé mẩu giấy nhỏ, viết nguệch ngoạc bài thơ 4 câu, ký tên, thả vào hộp thư bên ngoài toà soạn, thế mà bài ấy cũng được đăng. Có lẽ vì sẵn tài nên thơ đến với anh thật nhanh. Niềm vui khoác áo sinh viên chưa được lâu thì cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã cuốn anh và bạn bè vào “vòng xoáy” lịch sử. Năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm cùng đông đảo bạn bè đồng khoá trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, “xếp bút nghiên” khoác ba lô ra trận. Anh đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, đặc biệt là mặt trận Trị Thiên - Huế. Những tháng ngày bom đạn, máu lửa ấy đã in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ anh. Sau chiến tranh, anh về học lại Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) rồi về công tác trong ngành điện ảnh truyền hình. Mặc dù vậy, cuộc sống của anh vẫn dành trọn vẹn cho thơ, người ta biết đến Hoàng Nhuận Cầm trước hết là một thi nhân với những bài thơ tình nổi tiếng. Thơ anh nói đúng và nói hay về tình cảm của một lứa tuổi mà chính anh từng trải nghiệm. Đến nay, Hoàng Nhuận Cầm đã để lại dấu ấn của mình qua giải nhất cuộc thi thơ do tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1973, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 và đặc biệt là 3 tập thơ đã xuất bản gồm “Thơ tuổi hai mươi” (1974), “Những câu thơ viết đợi mặt trời” (1983), “Xúc xắc mùa thu” (1993).

Đặng Thùy Trâm

Nguyễn Văn Thạc

Hai trong số những nhân vật liệt sĩ của "Mùi cỏ cháy"

Hoàng Nhuận Cầm đã đến với đời hơn 50 năm, làm bạn với thơ hơn 30 năm, khoảng thời gian ấy chẳng hề ngắn ngủi trong tương quan với cuộc đời của một con người. Anh đã đứng trong dòng chảy của lịch sử để chiến đấu, đứng trong dòng chảy của thi ca để cống hiến, sự kết hợp một cách nhuần nhị giữa 2 yếu tố lịch sử và thi ca đó đã tạo nên một thương hiệu của nhân chứng làm thơ “Hoàng Nhuận Cầm”. Trong suốt chặng đường dài tính bằng năm tháng, “trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ”, chưa lỗi hẹn với đời, với thơ, với tình yêu, với bạn đọc - những người đã luôn yêu mến và ủng hộ thơ anh. Nhớ có lần anh đến giao lưu với sinh viên của một trường nghệ thuật và “bị” hỏi rất nhiều về hình tượng xúc xắc trong bài thơ “Viên xúc xắc mùa thu”, cũng là tên một tập thơ của anh. Hoàng Nhuận Cầm đã đọc 2 câu thơ “Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé. Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh…” và giải thích say sưa đến mức cả hội trường như bị hút hồn. Anh đã dùng hình ảnh con xúc xắc để chỉ ra những bất ngờ, những ngã rẽ của thơ ca, nghệ thuật. Với thơ anh, viên xúc xắc lắc cắc 6 mặt đời và cũng để đời va đập từ mọi phía. Anh chỉ ra những gương mặt tâm hồn đa dạng trong thơ, đồng thời cũng chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thơ ca với cuộc đời. Đúc kết sau cả một đời lính làm thơ và cả một đời thơ khi không còn làm lính, Hoàng Nhuận Cầm đã không ngần ngại mà nói rằng: “Thơ tôi chính là hơi thở của tôi. Thiếu nó, tôi không chết ngay nhưng sẽ chết ngạt và chết dần dần…”.

Ngay lúc này, ngồi trong “tổ ấm nhỏ xinh” của mình, Hoàng Nhuận Cầm trò chuyện về thơ, về cuộc sống bằng tất cả niềm say mê luôn thường trực khiến tôi chợt quên mất anh là một nhà điện ảnh, một người đã từng biên kịch nhiều bộ phim có tầm cỡ như “Đêm hội Long Trì”, “Hồ Chí Minh năm 1946”… Anh đang dàn dựng để một dịp sớm nhất có thể đưa kịch bản “Đoạn trường chiêm bao” lên màn ảnh. Đây là kịch bản mà anh thai nghén suốt 10 năm trời mới hoàn thành. Trong đó chỉ có 2 nhân vật chính là đại thi hào Nguyễn Du và cô gái mang tên Hồng Nhan. Ý tưởng này hình thành khi anh đọc “Truyện Kiều” và thấy có sự trở đi trở lại của rất nhiều giấc mơ, và trong những giấc mơ ấy luôn có rất nhiều bóng hồng xuất hiện, anh đã khái quát hóa điều đó thành một hình ảnh chung mang tên gọi Hồng Nhan. Anh cười hồn hậu: “Người ta cứ bảo rằng, hễ là nghệ sĩ là đa đoan, là bạc phận cũng giống như cô Kiều hay cô Đạm Tiên, tôi không tin điều đó. Trên đời này, không ai cho mình hạnh phúc cả, muốn có phải tự do mình tạo ra mà thôi. Cứ hướng theo những điều tốt đẹp, tôi tin sẽ không ai bị bất hạnh...”.

Câu chuyện của chúng tôi chưa kết thúc thì có tiếng chuông điện thoại reo, đã đến giờ anh phải lên hãng phim để gặp một vài đối tác của kịch bản “Mùi cỏ cháy”. Thi sĩ vui vẻ tiễn tôi ra cửa: “Tiếc quá, mình nói nhiều thế mà chẳng kịp để cậu hỏi thêm câu gì. Vừa là nhà thơ, vừa là nhà biên kịch, hai trong một nên mình bận như nuôi con mọn. Khi nào kịch bản Mùi cỏ cháy hoàn thành, hy vọng chúng ta sẽ có thời gian gặp nhau lâu hơn...”. Đành phải vậy chứ biết làm sao! Tôi ra về mà lòng tiếc hùi hụi vì cuộc gặp gỡ ngắn quá!

Minh Trường [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» "Câu lạc bộ Cựu sinh viên thành đạt"
» Nhà khoa học và chiếc chìa khóa mở cánh cửa nhìn ra khu vực
» GS.TSKH Lê Hùng Sơn - người làm toán bằng cả tinh thần dân tộc
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn