Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960392
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nhà khoa học và chiếc chìa khóa mở cánh cửa nhìn ra khu vực

Năm nay, PGS.TS Phạm Đức Thành vừa bước sang tuổi 63, độ tuổi mà một nhà khoa học vẫn còn đủ sức để làm nốt những điều mà mình ấp ủ, nung nấu. Dù đã nghỉ công tác quản lý nhưng ông vẫn gắn bó rất mật thiết với Viện nghiên cứu Đông Nam Á, với địa hạt nghiên cứu về đất nước Campuchia.

Trong khu vực Đông Nam Á có một đất nước Hồi giáo đa sắc tộc với nền văn hóa phong phú, đan xen một cách nhuần nhị giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Đất nước ấy mang vẻ đẹp thanh bình, thuần khiết, nền kinh tế phát triển vững chắc và đặc biệt là các vấn đề về xã hội được đảm bảo rất tốt. Đó là Malayxia, đất nước mà tôi thích đến thăm nhất. Một đất nước khác với kiến trúc chùa, tháp độc đáo như Ăngkovát, Ăngkothom và hàng trăm địa danh khiến người ta không thể không vấn vương dù mới lần đầu đặt chân đến. Đất nước ấy, có thời kỳ là một vương quốc mênh mông, trải qua một chiều dài lịch sử phức tạp, đa dạng với rất nhiều những bước thăng trầm. Đó là Campuchia, đất nước mà tôi đã chọn làm đối tượng nghiên cứu chính trong sự nghiệp của mình” - ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi một cách thân mật, tự nhiên như đang tâm sự cùng với những người bạn lâu ngày mới gặp. Quả thực, chúng tôi như bị cuốn theo lời ông kể trong một chuyến hành trình văn hóa thú vị đến thăm những miền đất mà bấy lâu chỉ mới được nghe tên. Ông phân tích từng vấn đề một cách tỉ mỉ, giải thích các đối tượng một cách say sưa và không quên đưa vào đó những kiến giải khoa học của riêng mình. Nghiên cứu về khu vực học là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và có không ít thách thức nhưng dường như với ông, công việc nghiên cứu về Đông Nam Á đặc biệt là về đất nước Campuchia đã trở thành một niềm đam mê tự giác

PGS.TS Phạm Đức Thành với một trong những cuốn sách nghiên cứu về Đông Nam Á do ông làm chủ nhiệm đề tài

PGS.TS Phạm Đức Thành nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á từ năm 1994 đến tháng 3/2006. Ông sinh năm 1944 ở thành phố Hải Phòng, lúc ấy vẫn nằm trong vùng tề, là nơi tranh chấp quyết liệt giữa cách mạng và lực lượng chiếm đóng. Trong thời thơ ấu không yên ả ấy, ông đã theo học trường làng đến hết lớp Nhất (tương đương với hết bậc tiểu học bây giờ). Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, thành phố Hải Phòng còn bị chiếm đóng tới hơn 300 ngày nữa mới giải phóng. Cũng chính trong hoàn cảnh ấy mà việc học của ông bị gián đoạn liên tục. Mãi đến năm 1963, ông mới tốt nghiệp bậc học phổ thông và cũng giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, ông nhập ngũ. Suốt những năm tháng lăn lộn cùng bom đạn ở các chiến trường, ông vẫn nuôi mơ ước được trở về để tiếp tục học cao hơn. Xuất ngũ năm 1968, chàng thanh niên Phạm Đức Thành thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 13, Khoa Lịch sử. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, cùng với toàn trường, thầy vào trò Khoa Lịch sử lại khoác ba lô ngược ngàn lên sơ tán trên chiến khu Việt Bắc, cụ thể là ở Chợ Chuối (huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái)...

Nhận bằng tốt nghiệp đại học đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, cuối năm 1972, Phạm Đức Thành về nhận công tác tại Viện Sử học Việt Nam. Tháng 6/1973, ông trở thành cán bộ của Ban Nghiên cứu Đông Nam Á, phụ trách mảng chuyên nghiên cứu về Campuchia và sau đó được cử làm Trưởng phòng Thông tin tư liệu của Ban (năm 1978). Trước yêu cầu mới của tình hình đất nước sau ngày giải phóng, năm 1983, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã được thành lập trên nền móng của Ban Nghiên cứu Đông Nam Á và ông quay trở về vai trò của một nhà nghiên cứu với vị trí là Trưởng phòng nghiên cứu về Campuchia kiêm thư ký Hội đồng Khoa học của Viện. Năm 1986, với đề tài nghiên cứu về lịch sử hiện đại Campuchia, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận văn tiến sĩ đồng thời bắt đầu khẳng định được tên tuổi của mình trong giới khoa học. Trở về nước từ Tiệp Khắc sau khoảng thời gian dài thực tập sau tiến sĩ, năm 1991, ông được đề bạt làm Phó viện trưởng rồi Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á (năm 1994) và tại vị cho đến khi nghỉ hưu, tháng 3/2006. Ông nhớ lại: “Trở thành Viện trưởng của một viện nghiên cứu khoa học xã hội lớn khi vừa bước vào tuổi 50, tôi mừng thì ít mà lo thì nhiều. Tuổi đời của Viện còn trẻ, kinh nghiệm quản lý của mình lại chưa nhiều, hơn nữa giữa điều kiện kinh tế thị trường ngày càng phát triển, phải làm sao đảm bảo được đời sống cho cán bộ nghiên cứu để anh em yên tâm gắn bó với khoa học. Thật may, tôi đã nhận được sự ủng hộ của cả một tập thể đoàn kết, đồng lòng để từ đó tạo dựng và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về giao lưu, hợp tác giữa nước ta với các nước càng cần thiết, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực. Phải hiểu được về đất nước, con người, văn hóa của họ thì chúng ta mới thiết lập được quan hệ bền chặt với họ. Thực tiễn chứng minh rằng, chúng ta hiểu biết không nhiều và rất lơ mơ về khu vực Đông Nam Á trong khi đó thế giới đã tập trung nghiên cứu về khu vực này từ hàng mấy chục năm về trước. Chúng ta lập Viện nghiên cứu về các nước Đông Nam Á để từ đó mà hiểu hơn về đất nước Việt Nam, tạo điều kiện để người Việt Nam mở rộng tầm nhìn ra khu vực và cũng thông qua đó giúp nhân dân các nước trong khu vực hiểu biết hơn về chúng ta. Những kiến thức do các nhà khoa học của Viện nghiên cứu được không chỉ phục vụ cho nhu cầu của quảng đại quần chúng nhân dân mà còn là chiếc chìa khóa vàng hỗ trợ đắc lực cho các nhà lãnh đạo nước ta khi tham gia hoạt động ngoại giao hoặc đến thăm một nước nào đó trong khu vực ASEAN”. Qua lời ông nói, chúng tôi hiểu thêm được phần nào về những nét tương đồng và cả những điểm khác biệt giữa nền văn hóa của các nước trong khu vực. Cùng nằm trên một lãnh thổ khá tập trung, cùng phát triển trên nền tảng của văn minh nông nghiệp lúa nước từ lâu đời vì vậy mà văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các dân tộc trong khu vực khá giống nhau chỉ khác ở đối tượng là các hệ tư tưởng mà nền văn hóa các dân tộc chịu ảnh hưởng và tiếp biến. Sự tiếp biến ấy đã tạo ra tính chất khác biệt, đa dạng trong sự thống nhất, tương đồng giữa nền văn hóa của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành...

... say sưa kể về nền văn hóa của đất nước Campuchia

Mấy chục năm gắn bó với Viện, với công việc nghiên cứu về các nước trong khu vực đặc biệt là về đất nước Campuchia, PGS.TS Phạm Đức Thành đã có được một gia tài không nhỏ các công trình nghiên cứu khoa học. Ông đã tham gia thực hiện 3 đề tài lớn cấp Nhà nước gồm: Vai trò các nước lớn đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; làm chủ nhiệm một đề tài nhánh của một chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản hiện đại; làm chủ nhiệm đề tài độc lập mang tên “Liên kết ASEAN trong thập niên đầu thế kỷ XXI”. Ông cũng đã thực hiện 7 đề tài cấp Bộ về các vấn đề như: quan hệ Việt Nam - Lào trong tiến trình lịch sử, cộng đồng người Việt và Lào, cộng đồng kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; phối hợp thực hiện một số đề tài hợp tác với các tổ chức quốc tế tạo được tiếng vang trong giới nghiên cứu. Ngoài ra, ông đã có khoảng 10 cuốn sách cả viết chung và viết riêng như “Lịch sử Campuchia” (1995), “Quan hệ Việt Nam - ASEAN, cùng với 30 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành cả trong và ngoài nước. Mặc dù làm công tác quản lý rất bận rộn nhưng PGS.TS Phạm Đức Thành vẫn dành thời gian để đứng lớp giảng bài cho sinh viên các đơn vị như Khoa Lịch sử, Khoa Đông phương của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), một số trường đại học trong TP.HCM Ông bảo, chính thói quen của một nhà sư phạm đã giúp ông rất nhiều trong công việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến khu vực học

Năm nay, PGS.TS Phạm Đức Thành vừa bước sang tuổi 63, độ tuổi mà một nhà khoa học vẫn còn đủ sức để làm nốt những điều mà mình ấp ủ, nung nấu. Dù đã nghỉ công tác quản lý nhưng ông vẫn gắn bó rất mật thiết với Viện nghiên cứu Đông Nam Á, với địa hạt nghiên cứu về đất nước Campuchia. “Nghỉ hưu rồi nhưng không có nghĩa là tôi nghỉ học, nghỉ đọc và nghỉ viết. Tôi còn phải nghiên cứu đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Có đi nhiều ra khu vực, có tiếp xúc với bạn bè ở khắp năm châu, tôi mới nghiệm ra rằng hình như ta vẫn chưa tìm ra được một nét đặc trưng nổi bật và độc đáo của người Việt Nam, cả hai mặt mạnh và yếu. Chỉ khi chúng ta nhìn thấy được cả hai mặt ấy thì các chính sách để phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay mới thực sự phát huy hiệu quả...” - nói đến đó, ông đưa bàn tay lên cao và nắm chặt lại. Hình như trong bàn tay ấy đang nắm giữ một trong những “chiếc chìa khóa vàng” để mở cánh cửa nhìn ra khu vực và tôi tin rằng PGS.TS Phạm Đức Thành đang muốn trao lại cho thế hệ tiếp bước sau ông...

Minh Trường [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» "Câu lạc bộ Cựu sinh viên thành đạt"
» GS.TSKH Lê Hùng Sơn - người làm toán bằng cả tinh thần dân tộc
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn