Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024    Số người truy cập: 1100687
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Gương mặt trẻ nữ tiêu biểu Việt Nam năm 2005

Nguyễn Thị Phương Dung – cô sinh viên lớp K9 Cử nhân Tài năng Vật lý, trường ĐHKHTN - ĐHQGHN là gương mặt nữ duy nhất được lọt vào danh sách 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2005 do TW Đoàn và Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam bầu chọn và trao giải.

Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam là một trong những danh hiệu cao quý được trao cho những cá nhân có đóng góp nổi bật và có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học, khoa học kỹ thuật, lao động – sáng tạo, sản xuất – kinh doanh, an ninh – quốc phòng, thể thao, văn hóa – nghệ thuật. Phương Dung là một trong hai gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực học tập của cả nước.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với Phương Dung tại phòng học tiếng Anh với người nước ngoài trong giờ ra chơi, đó là sự trẻ trung và khiêm tốn. Em cười rất tươi và nói với tôi: “Nếu không có các anh chị phóng viên, nhà báo đến phỏng vấn, quay phim, ghi hình thì em chưa biết mình có vinh dự này đâu. Vui nhưng mà hơi mệt chị ạ vì bọn em học cả ngày mà. Lớp em các bạn ấy học giỏi lắm, toàn “siêu sao” thôi. Thấy mọi người học là phải học theo, không học là tụt hậu ngay chị à... Em còn phải phấn đấu nhiều”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ là giáo viên dạy toán trường cấp III Trần Phú, bố công tác ở Sở giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc, việc học hành của Dung và cậu em trai (hiện đang học lớp 11 Vật lý, trường chuyên Vĩnh Phúc) luôn được bố mẹ quan tâm chu đáo. Chính bố mẹ là những tấm gương sáng để chị em Dung học tập và phấn đấu. Phương Dung yêu thích và “bén duyên” Vật lý ngay từ những giờ học đầu tiên trong trường phổ thông. Dung nhận thấy Vật lý không “khô khan như môn toán, nhớ nhiều như môn hóa”. Năm 2005, Phương Dung là người “ẵm” rất nhiều giải thưởng tại các kỳ thi Vật lý trong nước cũng như quốc tế: Giải nhì quốc gia môn Vật lý năm lớp 11 và lớp 12; Giải khuyến khích Châu Á Thái Bình Dương môn Vật lý ở Indonesia tháng 5 năm 2005; Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Tây Ban Nha tháng 7 năm 2005. Không chỉ đạt thành tích cao trong học tập, Phương Dung còn rất tích cực và hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện. Năm qua, Phương Dung đã vinh dự là một trong hai thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “5 năm thanh niên tình nguyện”.

Phương Dung nhớ lại, khi tốt nghiệp PTTH, bố mẹ muốn con gái học kinh tế hay ngoại thương, trong khi đó Dung có ý định và sở thích vào học trường Đại học Bách Khoa. Nhưng trong một tháng tập trung học tập và ôn luyện cùng đội tuyển tham dự cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế đã làm dự định ban đầu của Dung thay đổi. Sau những thành tích đã đạt được tại Tây Ban Nha, cùng với các bạn trong đội tuyển, Phương Dung được tuyển thẳng vào Lớp K9 CNTN Vật lý, trường ĐHKHTN - “vườn ươm” vun trồng những “hạt giống” tài năng Vật lý. Lớp Dung học có 18 sinh viên, trong đó có Dung là sinh viên nữ duy nhất nên được các bạn giao làm thủ quỹ “tay hòm chìa khóa”. Kể về chuyện lớp, chuyện học đại học, Dung tâm sự: “Tuy chỉ có mình em là con gái, lại mới học cùng nhau được hơn nửa học kỳ nhưng bạn bè trong lớp cũng chẳng xa lạ, bỡ ngỡ gì đâu vì hầu hết chúng em đã quen biết, chơi với nhau từ hồi ôn thi và gặp nhau ở những kỳ thi rồi mà. Em chỉ thấy bỡ ngỡ trước cách học và cách thi ở đại học. Có thể ngày đầu nhiều bạn chưa quen lắm. Nhưng rõ ràng học đại học thì việc tự học là chủ yếu. Chia nhóm để học, thảo luận, thuyết trình là một phương pháp học rất có hiệu quả. Như ở lớp em, các thầy đã áp dụng cách học này trong nhiều môn như môn toán, môn lý. Ưu điểm nổi bật là làm việc theo nhóm sẽ phát huy được tính sáng tạo, rèn luyện tính tập thể, bạn bè thêm thân thiết mà học cũng vui vẻ, thoải mái hơn. Và tất nhiên hiệu quả sẽ rất cao...

Khi chia tay, Phương Dung đưa cho tôi địa chỉ e – mail và nhắn rằng em muốn làm quen với các bạn trên khắp mọi miền tổ quốc, đặc biệt là những người có chung niềm say mê môn Vật lý: kirimaru23@yahoo.com. Tôi thầm nghĩ về một tương lai không xa, khi ấy rất có thể tôi sẽ gặp lại Phương Dung - một giảng viên Vật lý?!

Bài: Vũ Oanh; ảnh: Bùi Tuấn [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn