Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 984642
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn An - con người của khát vọng và đam mê
PGS. TSKH. Nguyễn An

Nhớ về PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn An, chúng tôi nhớ đến một con người lúc nào cũng đầy ắp những khát vọng - hoài bão, đam mê và trí tuệ. Ông là sinh viên khóa 3 của Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Những khóa học đầu tiên ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi đó chỉ được học 3 năm. Tốt nghiệp năm 1961, với thành tích học tập xuất sắc, anh sinh viên trẻ quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Vật lý. Thời đó, cán bộ giảng dạy thiếu lắm, bởi thế sinh viên vừa ra trường năm trước, năm sau đã phải đứng lớp giảng bài, không những thế, có khi còn phải giảng những môn học hoàn toàn mới, mà chính các thầy giáo trẻ cũng chưa được học. Giáo trình, tài liệu tham khảo dùng để soạn bài chỉ toàn bằng tiếng Nga. Trình độ tiếng Nga thì mới ở mức “vỡ lòng”. Làm sao đây? Để vượt qua thử thách không nhỏ này, PGS. Nguyễn An đã xác định cho mình một trách nhiệm, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, trách nhiệm với nghề nghiệp, trách nhiệm với học trò và đặc biệt là ông luôn hun đúc cho mình những khát vọng, lòng đam mê khoa học, tìm tòi cái mới không biết mệt mỏi. Các bạn đồng nghiệp còn nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo trẻ Nguyễn An đêm đêm miệt mài soạn giáo án tới khuya cùng cuốn “Từ điển Nga - Việt  trên tay. Với bản tính sôi nổi, nhiệt tình, ông không những hăng say trong công tác chuyên môn, mà còn rất xông xáo trong hoạt động đoàn thể. Vừa mới ra trường, ông đã được giao cho đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi đoàn cán bộ Khoa Vật lý. Chẳng bao lâu, ngày 26/3/1963, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó không chỉ là vinh dự của riêng ông, mà còn là một minh chứng cho sự kỳ vọng và tin tưởng của Đảng vào thế hệ trẻ.

Từ năm 1966 đến 1969, Nguyễn An được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp, Liên Xô và ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 1970, trở lại công tác tại Khoa Vật lý, ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông lại bề bộn với công tác Đảng, công tác chính quyền: Bí thư Chi bộ Khoa Vật lý, Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Bí thư Đảng uỷ Khoa Vật lý, Đảng uỷ viên Đảng bộ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông được phong học hàm Phó giáo sư. Từ năm 1981 đến 1984, PGS. Nguyễn An được cử đi thực tập khoa học cao cấp tại Trường Đại học Tổng hợp Humboldt (CHDC Đức và một lần nữa ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Là người gắn bó nhiều năm với công tác đào tạo và quản lý, PGS. Nguyễn An được cán bộ công chức Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tín nhiệm bầu vào chức vụ Hiệu trưởng nhiệm kỳ 1988-1992. Thời kỳ này, ông còn là Uỷ viên Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội. Trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực, dù ở cương vị nào, PGS. Nguyễn An cũng là người năng động. Ông là người luôn tư duy, tìm tòi để tìm ra những ý tưởng, giải pháp mới, tối ưu và của riêng mình. Trong số đó có nhiều ý tưởng, giải pháp mà ngày nay chúng ta đang thực hiện và cảm thấy bình thường, nhưng ở thời điểm trước đây thì có thể coi là sáng tạo, đôi khi là táo bạo.

PGS. TSKH Nguyễn An (đứng giữa).

Trong công tác quản lý, có lẽ thời kỳ khó khăn nhất là lúc PGS. Nguyễn An đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chúng ta còn nhớ, tại Đại hội VI (năm 1986) Đảng ta bắt đầu đưa ra đường lối đổi mới, nhưng cũng chính thời kỳ đó, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết, đời sống của nhân dân nói chung và của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nói riêng xuống thấp đến cực điểm. Mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống tối thiểu đều thiếu thốn, ngay cả đến đồng lương vốn đã ít ỏi mà Nhà nước cũng không có để trả đúng kỳ hạn cho cán bộ, công chức. Nhắc lại những điều đó, chắc các bạn trẻ bây giờ khó mà tin được. Trong hoàn cảnh như vậy, Ban giám hiệu Nhà trường mà đứng đầu là PGS. Nguyễn An, một mặt phải động viên cán bộ, công chức giữ vững tinh thần, không xa rời trận địa, duy trì bằng được nhiệm vụ chính trị; mặt khác, phải lăn lộn tìm mọi cách, chấp nhận cả các cách không hợp với sở trường của nhà giáo, để có thêm thu nhập cho Nhà trường, để có tiền giúp Nhà nước trả lương đúng hạn, ổn định cuộc sống của cán bộ công chức. Chẳng hạn, Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ lắp giáp ti vi và các dịch vụ kinh tế khác. Sử dụng nguồn vốn tự có, kết hợp với tiền ngân sách, Nhà trường đã sửa chữa các cơ sở vật chất hạ tầng khu 19 Lê Thánh Tông, khu Thượng Đình và khu ký túc xá sinh viên tại Mễ Trì. Trong cương vị Hiệu trưởng, người lãnh đạo cao nhất của Nhà trường những năm 1988 - 1992, thời kỳ mà tình hình kinh tế - xã hội nước ta cực kỳ khó khăn, PGS. Nguyễn An đã có cơ hội để thực hiện những ý tưởng xây dựng nền giáo dục - đào tạo của nước nhà. Nhiều ý tưởng, giải pháp năng động của ông trong thời kỳ đó không những giữ cho Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ổn định, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển của Nhà trường sau này.

Thử thách đầu tiên đối với PGS. Nguyễn An khi ông mới nhận chức vụ Hiệu trưởng là Bộ Giáo dục & Đào tạo định rút chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm đó xuống chỉ còn 100. Chỉ tiêu tuyển sinh như thế sẽ bóp chết một trường đại học lớn, nơi có gần một nghìn thầy, cô giáo với hàng trăm phó tiến sĩ, tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ, tiến sĩ khoa học), nơi đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học và nhân tài cho đất nước. PGS. Nguyễn An đã phải lý giải, thuyết phục để cấp trên nâng chỉ tiêu tuyển sinh và đã được đồng ý. Dù trong hoàn cảnh nào, ông nghĩ, cũng phải bảo đảm chỉ tiêu đào tạo cho Nhà trường, bởi lẽ điều đó mang một ý nghĩa trọng đại để bảo vệ sự tồn tại của một trường đại học, của một đội ngũ các nhà khoa học, các thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm, mà không phải dễ dàng có được.

  Về mặt đào tạo, PGS. Nguyễn An đã mạnh dạn đề xuất mở các ngành đào tạo mới như ngành Môi trường, là tiền đề để sau này thành lập Khoa Môi trường. Ông là người đề xướng và chỉ đạo việc thành lập Khối THPT chuyên Vật lý vào năm 1985. Ông chủ trương mở rộng các loại hình đào tạo như hệ tại chức (ở Trường và ở các địa phương), hệ mở rộng và đặc biệt là hệ đào tạo trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều lớp cao học trong lĩnh vực Toán học, Ngữ văn được thành lập trong thời kỳ đó. Nhiều phó tiến sĩ, tiến sĩ được đào tạo trong nước vào thời kỳ này. Công tác tuyển sinh được PGS. Nguyễn An đặc biệt quan tâm. Trong các khâu ra đề, coi thi, làm phách v.v. đều có sự chỉ đạo và sáng kiến của ông. Lần đầu tiên giám thị coi thi phải đeo phù hiệu có ghi rõ họ, tên của mình, sau mỗi môn thi lại đảo giám thị ở các phòng, quy trình làm phách 2 vòng bảo đảm tuyệt đối bí mật… và đặc biệt là công tác chấm thi, công bố điểm được chỉ đạo làm nhanh gọn để có thể gọi sinh viên nhập học vào đầu tháng 9.

Công tác giáo trình cũng được PGS. Nguyễn An coi trọng. Chưa kịp viết giáo trình, sách giáo khoa mới thì in lại các sách giáo khoa cũ, miễn là bảo đảm có đủ sách, tài liệu học tập cho sinh viên. Dưới sự chỉ đạo của ông, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã đi vào nề nếp, các hoạt động khoa học ở cấp trường và cấp khoa được tổ chức đều đặn. Bản thân PGS. Nguyễn An nhiều năm làm chủ trì các đề tài khoa học lớn, cấp Nhà nước, ông luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để các cán bộ trẻ được tham gia nghiên cứu khoa học. Ông có quan điểm rõ ràng: Trong nghiên cứu khoa học phải chú trọng đến tính hiệu quả, phải ra sản phẩm cụ thể như bài báo, vật liệu, thiết bị v.v. nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ thực tế và phải phục vụ thực tế; người nghiên cứu phải chủ động tìm đến người ứng dụng. Giải thưởng khoa học công nghệ VIFOTEC năm 1998 tặng thưởng cho nhóm đề tài của ông đã minh chứng cho quan điểm đó.

Để phát triển nghiên cứu khoa học, PGS. Nguyễn An chủ trương phải khai thác nội lực, kết hợp mở rộng các mối quan hệ với Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các trường, viện trong nước. Để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và triển khai sản xuất thử, ông đã thành lập nhiều trung tâm như: Trung tâm Vi sinh và Nấm, Trung tâm Việt Nam học, Trung tâm Nghiên cứu Khoáng chất công nghiệp…

PGS. TSKH Nguyễn An (người đầu tiên từ trái sang) trong ngày khai giảng năm học mới của Trường ĐHTHHN

Muốn thành công trong nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tế, các nhà khoa học phải nắm bắt và áp dụng công nghệ cao. Muốn vậy, về lâu dài cần phải đầu tư có trọng điểm, cho những ngành mũi nhọn, phải xây dựng các phòng thí nghiệm lớn, mang tính liên ngành. Từ ý tưởng trên, PGS. Nguyễn An đã đề xuất và xúc tiến việc xin Nhà nước vay tiền của tổ chức OPEC (khoảng 7 triệu USD) để đầu tư trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học. Việc này đã được các cấp lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục thực hiện thành công ở giai đoạn sau.

Trong công tác quản lý sinh viên, PGS. Nguyễn An luôn nghĩ tới sinh viên, luôn trăn trở với những vấn đề như dạy họ cái gì? dạy cái xã hội cần? dạy như thế nào? làm sao để sinh viên tự giác học tập, mà không cần đến biện pháp hành chính? Vậy là ý tưởng mới và giải pháp mới đều gói gọn trong khẩu hiệu: “Học vì ngày mai lập nghiệp”. Để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, PGS. Nguyễn An đã tổ chức các buổi đối thoại với sinh viên. Các cuộc đối thoại đó thực chất là mở đầu cho việc thực hiện dân chủ trong nhà trường. Đối với ông, quan tâm đến sinh viên là công việc đương nhiên của những người làm công tác quản lý trong nhà trường. Điều đó thể hiện quan điểm “lấy người học làm trung tâm” mà ngày nay chúng ta hay đề cập tới.

Ngay từ khi làm Chủ nhiệm Khoa Vật lý, PGS. Nguyễn An đã rất chú trọng đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. Chính ông đã nêu ý kiến đề nghị các thầy cao tuổi bồi dưỡng kèm cặp, rồi giao hẳn một số môn học cho các cán bộ trẻ giảng dạy, nhờ vậy đã phần nào tránh được tình trạng hụt hẫng cán bộ. PGS. Nguyễn An là người rất quan tâm đến việc xây dựng các đơn vị đào tạo. Bộ môn Vật lý đại cương là một bộ môn không ổn định, cán bộ sau khi được đào tạo ở trình độ cao chỉ làm việc một thời gian, rồi xin đi nơi khác. Tìm hiểu nguyên nhân, thì thấy ở bộ môn này không có chuyên môn sâu, các giảng viên không có điều kiện làm nghiên cứu khoa học, do đó không yên tâm làm việc lâu dài. Để ổn định Bộ môn Vật lý đại cương, PGS. Nguyễn An đã điều thầy Lê Khắc Bình và một số cán bộ thuộc Bộ môn Vật lý chất rắn sang Bộ môn Vật lý đại cương. Từ đó, các cán bộ của Bộ môn Vật lý đại cương, ngoài việc giảng dạy và hướng dẫn thực tập Vật lý đại cương, còn có thể làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chuyên sâu Vật lý chất rắn. Kết quả là Bộ môn Vật lý đại cương đã ổn định cho đến ngày nay.

PGS. Nguyễn An chủ trương coi các khoa là các đơn vị cơ sở, được trao quyền tự chủ cao. Ông đã cải tổ hệ thống phòng ban sao cho gọn nhẹ và chủ trương giảm thiểu sự tập trung bao cấp ở quy mô trường. Điểm đặc biệt trong thời kỳ PGS. Nguyễn An làm Hiệu trưởng là công tác hợp tác quốc tế được chú trọng. Theo ông muốn nâng cao vị thế của nhà trường, phải giao lưu học hỏi các nước. Nhà trường bắt đầu có quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Mỹ…; đã tổ chức thành công cuộc hội thảo giao lưu giữa 34 nhà khoa học Mỹ và các giáo sư trong Trường;  giúp các nước đào tạo, giảng dạy tiếng Việt, tạo điều kiện để các đoàn bạn sang ta nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam. Bạn giúp tài trợ học bổng cho sinh viên ta, mời các nhà khoa học Việt Nam sang tham quan, trao đổi học thuật. Trong thời kỳ này, PGS. Nguyễn An có những quyết định rất “thoáng”: khuyến khích và tạo điều kiện để các cá nhân cán bộ tìm các đối tác nước ngoài, móc nối hợp tác quốc tế, mang lại lợi ích cho Nhà trường.

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, PGS. Nguyễn An có một triết lý đơn giản, cũng là một niềm tin vững chắc: “Một bài toán phức tạp đến mấy, nếu chịu khó suy nghĩ tìm tòi, rồi sớm muộn thế nào cũng tìm được lời giải đơn giản”. Dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, có khi táo bạo, trên cơ sở trí tuệ - tầm nhìn là những yếu tố dẫn tới thành công trong sự nghiệp của ông. Đó cũng là những ấn tượng đặc biệt về PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn An, người đã gắn bó cả đời với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Long - Ảnh: Tư liệu [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» PGS.TS Bùi Hiền - Người không ngừng sáng tạo với tiếng Nga
» Người phụ nữ tạo nên thương hiệu màng lọc DIAMOND
» GS.TSKH Nguyễn Văn Hùng: “Được nghiên cứu khoa học là niềm hạnh phúc của tôi”
» Thầy Khoả của chúng tôi
» Nhà Balzac học Lê Hồng Sâm với “ốc đảo - tháp ngà”
» Giáo sư Đỗ Đức Hiểu
» Về một nhà vật lý đáng kính
» Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam
» GS. Lâm Ngọc Thiềm, người cựu chiến binh - thầy giáo trên giảng đường hôm nay
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn