Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 990012
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
Nhà giáo Đỗ Ngoạn và văn học Đức ở Việt Nam
Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) Nhà văn vĩ đại của Đức và thế giới.

“Trong số những người có đóng góp hàng đầu vào việc tiếp nhận văn học Đức ở Việt Nam, nhà giáo Đỗ Ngoạn là người giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Ông là người đã nhiều năm nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy văn học Đức, có những cống hiến đáng kể trong việc tham gia viết giáo trình văn học Đức, làm từ điển, đặc biệt trong việc dịch và giới thiệu tác phẩm Phaoxtơ của Đại thi hào Gớt” (Johann Wolfgang von Goethe).

Thật vậy cho đến nay, phần văn học Đức (trong quyển Văn học phương Tây) do Đỗ Ngoạn biên soạn, được Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành vẫn là một tài liệu quý phục vụ cho công tác giảng dạy ở trường đại học. Trong quyển sách này, cũng như trong Lời giới thiệu tập I quyển Phaoxtơ in lần thứ nhất vào tháng 8/1977 và trong tiểu dẫn toàn tập Phaoxtơ do Nhà xuất bản Văn học và RICC hợp tác ấn hành, Gớt và các tác phẩm nổi bật của ông, đặc biệt là Phaoxtơ đã được trình bày khá hệ thống và toàn diện. Người đọc ở Việt Nam, qua đó, bước đầu có thể hình dung diện mạo và tầm vóc của "người Đức vĩ đại nhất" này.

Tuy nhiên, trước khi nói sâu hơn về những cống hiến của Đỗ Ngoạn trong việc nghiên cứu, dịch và giới thiệu Phaoxtơ - Tác phẩm mà đại thi hào Gớt đã sáng tác suốt 60 năm trời, tôi xin được nhấn mạnh: Ông không chỉ có công đầu trong việc đã kể trên. Ông còn là người biên soạn giáo trình giảng dạy về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Ph. Silơ, H. Hainơ và một số nhà văn tiêu biểu khác của Đức. Trên các tạp chí Nghiên cứu văn học, ông đã cho công bố các bài viết về: Kịch tự sự của Brếch (số 9, 1968); Nibebungen - một bản hùng ca lớn của dân tộc Đức (số 1, 1971); Hen-rich Hai-nơ và chủ nghĩa lãng mạn Đức (số 2, 1972); Một người bạn văn chương của Mác và Ăng-ghen (số 5, 1975); An-na Dê-gớc (số 1, 1976)... Về Hai-nơ, ông còn có bài nghiên cứu đề cập mối quan hệ giữa nhà thơ lỗi lạc này với triết học cổ điển Đức (Tạp chí Văn học, số 6, 1997). Ông cũng đã nêu lên những đặc điểm thơ của Brếch (Tạp chí Văn học, số 7, 1998)...

Là một người tiếp bước theo gương Đỗ Ngoạn, tôi trộm nghĩ: Giá như ông sưu tầm lại tất cả những bài ông viết về văn học Đức và cho in thành một quyển thì đó sẽ là tập sách quý cho tất cả những ai yêu mến và có sự quan tâm đối với nền văn học này.

Mỗi lần nói và viết về Đỗ Ngoạn, bao kỷ niệm đã xa lại hiện lên thật rõ nét trong lòng tôi. Ấy là những tháng ngày sống và học tập ở chân núi Đại Từ - địa điểm sơ tán của Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Bấy giờ thầy Đỗ Ngoạn mới về nhận công tác tại Khoa, phụ trách giảng dạy phần văn học Đức. Tôi là sinh viên khoa này, lần đầu tiên được nghe giới thiệu một cách hệ thống về lĩnh vực tôi hằng yêu thích. Cũng vì quen biết nhau từ hồi ở Đức, thầy Ngoạn thường mời tôi đến chỗ thầy chơi. Thầy giao cho tôi một số bài dịch của Bê-sơ (Johannes R.Becher), một phần để có thêm tư liệu giảng dạy, nhưng phần quan trọng hơn là muốn qua đó, tôi được Khoa trả thù lao, có thêm tiền ăn học. Các bản dịch được thầy góp ý để sửa chữa cho chính xác và đạt chất lượng cao hơn. Tôi vẫn nhớ, đêm đêm các bản dịch còn được một số bạn trong khoa như Hồ Thành Công (tức nhà thơ Thanh Thảo bây giờ) đọc to, cùng thưởng thức dưới ánh đèn tù mù bên chân núi. Vì qua lại chỗ thầy Ngoạn nhiều lần, tôi chứng kiến những ngày thầy làm việc hết sức miệt mài - vừa soạn bài vừa dịch tác phẩm Phaoxtơ của Gớt. Những ngày ấy, đời sống thật túng thiếu, đạm bạc, vậy mà thầy làm việc hết sức say sưa, nhiều hôm thông cả trưa. Trên bàn thầy bao giờ cũng có những trang giấy khổ lớn, một bên thầy chép lại những câu thơ theo nguyên bản Đức và một bên là bản dịch của thầy. Chữ thầy viết tròn trịa, rõ nét, rất đẹp. Ngày lại ngày, các trang dịch dày mãi lên. Và lâu lâu, xong một vài chương, thầy lại mang về Hà Nội để nhà thơ Thế Lữ sửa chữa lại câu thơ. Thầy Ngoạn dịch theo nguyên bản Christian Wegner - Humburg 1960. Còn nhà thơ và nhà soạn kịch Thế Lữ thì tham khảo các bản dịch Pháp văn FAUST của Henri Lichtenberger (Collection billigue của nhà xuất bản Mongtaigne), FAUST ET LE SECOND FAUST của Gerand de Nerval (Editions Garnier Freré 1956) và bản dịch Trung văn Phù sĩ đức của Quách Mạt Nhược (Nhân dân văn học xuất bản xã 1955).

Sự hợp tác bền bỉ, đầy sáng tạo và thân tình giữa một nhà thơ lừng danh lớp trước và một nhà giáo trẻ được đào tạo chu đáo ở Đức trong nhiều năm đã đưa đến kết quả lớn: Năm 1977, Nhà xuất bản Văn học ấn hành bản dịch Phaoxtơ (tập I). Đó là một trong những sự kiện lớn trong đời sống văn học vào thời gian sau ngày giải phóng miền Nam. Bản dịch được in với số lượng khá lớn: 20.000 bản.

Từ hơn 15 năm trước, khi còn là sinh viên trường đại học Tổng hợp Các Mác (Lai-pdích), Đỗ Ngoạn từng có ý định chuyển ngữ tác phẩm vĩ đại này ra tiếng Việt. Năm 1962, trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5, ông đã có bài giới thiệu Phaoxtơ khá kỹ lưỡng. Có thể coi đó là một bài nghiên cứu mang tính chất tiền đề để Đỗ Ngoạn viết lời giới thiệu công phu, dài ngót 50 trang cho bản dịch được ấn hành lần đầu này. Như vậy, ấn phẩm của Đỗ Ngoạn về nghiên cứu Phaoxtơ tính ra đã ngót 40 năm và bản dịch kịch thơ này (hợp tác với Thế Lữ) được tròn 26 năm - trên một phần tư thế kỷ.

Năm 1995, khi cho in trọn bộ Phaoxtơ (I và II), rất tiếc là Đỗ Ngoạn không cho in lại Lời giời thiệu mà chỉ có tiểu dẫn cho phần I và phần II. Bản dịch này được thực hiện theo nguyên bản tiếng Đức FAUST do Nhà xuất bản Berlin và Weimar ấn hành năm 1971 và ấn hành bằng sự tài trợ của Inter Nationes, CHLB Đức. Tôi nghĩ rằng, nếu tái bản, nên in lại đầy đủ Lời giới thiệu của bản dịch năm 1977. Cho đến ngày nay, ở Việt Nam ta, chưa có ai, trong cùng một lúc, vừa dịch vừa viết bài giới thiệu công phu tác phẩm Phaoxtơ như Đỗ Ngoạn. Vốn không phải là một nhà thơ, nhưng vượt lên tất cả để dịch vở kịch thơ đồ sộ này là cả một nỗ lực lớn của Đỗ Ngoạn. Có thể, về chất thơ, bản dịch chưa đạt tới đỉnh cao, song, tính chính xác của ngôn ngữ thì xứng đáng được tin cậy hoàn toàn, làm chỗ dựa cho công việc trích giảng văn học ở nhà trường hoặc ai đó muốn dịch lại chương này, chương khác của tác phẩm Phaoxtơ. Chính vì lẽ đó, trước sau tôi khẳng định: Đỗ Ngoạn là người có công đầu trong việc nghiên cứu, dịch và giới thiệu Phaoxtơ của Gớt ở nước ta. Ông đã làm việc giữa những ngày gian khổ, trong một hoàn cảnh đầy thử thách. Nắm vững thực tế đó, càng khâm phục tấm gương lao động của ông. Khi phân tích giá trị tư tưởng của tác phẩm này, Đỗ Ngoạn viết: "Bản chất con người vốn là hành động, không ngừng nỗ lực vươn lên". Có thể nói được chăng, để đưa được Phaoxtơ đến với độc giả Việt Nam, Đỗ Ngoạn đã thể hiện đầy đủ bản chất đó: lao động, hành động, nỗ lực vươn lên?.

Hà nội, ngày 17 tháng 6 năm 2001

Trần Đương [100 Năm Đại Học Đông Dương]
Các bài liên quan
» GS. Lâm Ngọc Thiềm, người cựu chiến binh - thầy giáo trên giảng đường hôm nay
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn