Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024    Số người truy cập: 990003
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ với những đóng góp trong buổi đầu xây dựng ĐHQGHN

Lịch thiệp, cởi mở, dễ gần - đấy là những cảm nhận đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, một nhà giáo, nhà quản lý có nhiều cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Ông là niềm tự hào của bà con Yên Phong (Bắc Ninh), là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò noi theo.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ sinh ngày 7.12.1947, tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh, trong một gia đình nông dân. Thời học phổ thông, sáng đến trường chiều về ông thường tham gia lao động, làm ruộng với gia đình. Nhà nghèo, ở nông thôn có rất ít người học hết cấp 3, nhưng gia đình quyết tâm cho ông ăn học và rồi ông đã phấn đấu học tập, cố gắng vươn lên để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ.

Năm 1966, ông được vào học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời sinh viên ông học giỏi, lại rất tích cực tham gia làm công tác, năm thì làm lớp trưởng, năm thì làm Bí thư Đoàn thanh niên, và ông được kết nạp vào Đảng khi còn là sinh viên năm thứ ba. Do xây dựng gia đình sớm, ngày vào đại học, ông đã có một con. Bạn bè trong lớp rất thán phục về sự chăm chỉ trong học tập, chân thật và nhiệt tình với mọi người và vẫn thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: "Anh cả!".

Năm 1970, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giữ ông lại Khoa làm cán bộ giảng dạy. Ngay từ lúc ấy, ông đã sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ mà Khoa giao phó, từ làm trợ lý lao động cho đến trợ lý văn thể, mặc dù ông vẫn thường nói: "Tôi là con trai Bắc Ninh nhưng không biết hát hò gì đâu!".

Năm 1976, ông được đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô). Năm 1981, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ và trở về nước tiếp tục công tác giảng dạy tại Khoa Lịch sử. Năm 1982, Đảng uỷ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cử ông sang học tập lý luận tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Lúc đó, ông vừa học vừa tham gia giảng dạy. Tốt nghiệp trường Đảng, tháng 6.1984 ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử và đến năm 1989 được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa.

Năm 1987, vợ ông mất để lại 5 người con: người lớn nhất đang mải miết học tập ở tận Liên Xô xa xôi, người nhỏ nhất còn đang học lớp 1. Ông âm thầm nuốt đau vào trong lòng, gắng vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường nhật để vừa làm tốt công tác quản lý ở Khoa, vừa nghiên cứu khoa học phục vụ cho giảng dạy và nuôi các con khôn lớn. Cho đến nay, các con ông đều đã trưởng thành, ông vẫn "một mình" với cảnh "gà trống bên đàn con". Những khi nhắc đến con cháu mình, đôi mắt ông vẫn thường toát lên niềm tự hào của một người cha kiêm người mẹ trước những thành quả đã đạt được. Đấy chính là hạnh phúc lớn lao của một đời người - hạnh phúc bởi các con mình đã khôn lớn, thành đạt.

Học trò Khoa Lịch sử cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990 rất hâm mộ ông, bởi trong mắt họ, Nghiêm Đình Vỳ là một thầy giáo đẹp trai, một vị chủ nhiệm khoa giỏi giang, nhiệt tình và hiểu học trò. Ông thường tổ chức những buổi nói chuyện, trao đổi với sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất mới nhập học để giải đáp thắc mắc giúp họ có thêm hiểu biết và niềm tin vào lĩnh vực khoa học mà họ mới lựa chọn.

Năm 1991, ông được phong học hàm Phó giáo sư, chuyên ngành Lịch sử. Đầu năm 1992, sau cuộc thăm dò tín nhiệm, từ cương vị Chủ nhiệm khoa, ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi đó ông với 45 tuổi. Trong hoàn cảnh bấy giờ ở Việt Nam, ông là một trong số ít các hiệu trưởng trường đại học được coi là trẻ. Gần 6 năm làm quản lý tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã cùng với Đảng uỷ, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng được khối đoàn kết, đưa nhà trường đi vào hoạt động có nề nếp hơn. Cũng vì biết kế thừa những truyền thống tốt đẹp của Nhà trường và sự nỗ lực của tập thể nhà trường, trong đó có ông - người cầm lái, mà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát triển lên một tầm cao mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy - học tập của nhà trường ngày càng được cải thiện, đời sống của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao. Ngày nay, khi nhắc tới chuyện nhà ở, nhiều cán bộ, công chức Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn bảo "Tôi có được chỗ ở như hiện nay là công của ông Nghiêm Đình Vỳ - một người có tâm, có đức".

PGS. Nghiêm Đình Vỳ là người đặt nền móng cho sự ra đời của một số khoa mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau này như: Giáo dục Thể chất, Giáo dục đặc biệt, Sư phạm Âm nhạc - Mỹ thuật... Ông cũng đã từng làm Giám đốc Trung tâm đào tạo từ xa của Trường, góp phần đào tạo giáo viên theo một hình thức mới, thực hiện mục tiêu: giáo dục cho mọi người, học tập suốt đời cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đấy là một phần thưởng quý giá cho tập thể cán bộ, công chức và sinh viên Nhà trường, trong đó có ông - người hiệu trưởng mẫu mực, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

PGS. Nghiêm Đình Vỳ không chỉ có nhiều đóng góp xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà ông còn có nhiều đóng góp cho việc xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập (tháng 12.1993) trên cơ sở tổ chức lại ba trường đại học lớn: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lúc đó, lực lượng cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội còn mỏng. Cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có mấy phòng làm việc tại 19 Lê Thánh Tông. Để tạo thuận lợi cho Đại học Quốc gia Hà Nội, ông đã dồn nhiều phòng làm việc của trường để dành trọn tầng 5 của Nhà hiệu bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay cả một phòng nhỏ dành cho Thư ký của Hiệu trưởng, ông cũng nhượng lại cho Toà soạn Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội. Rồi khi trường Đại học Đại cương thành lập cũng không có nơi làm việc, ông lại bàn bạc với Đảng uỷ, Ban giám hiệu Đại học Sư phạm Hà Nội cho Đại học Đại cương thuộc ĐHQGHN được xây một dãy nhà cấp 4 cạnh đường Xuân Thuỷ để làm trụ sở. Thực ra, khi làm việc này nhiều cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chưa thật đồng tình, nhưng với tấm lòng, với trách nhiệm của một Phó giám đốc ông đã san sẻ một phần cơ sở vật chất của Đại học Sư phạm cho việc xây dựng Đại học Quốc gia trong buổi đầu còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về địa điểm làm việc.

Vừa là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó giám đốc phụ trách công tác đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội dưới sự điều hành của ông đều diễn ra êm ả, đạt kết quả tốt. Công tác đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích và trên đà phát triển. Ông cũng đã thường xuyên xuống các trường thành viên để kiểm tra, đôn đốc hoạt động đào tạo của các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng với tầm vóc của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh những đóng góp nói trên, còn phải nói đến những đóng góp khác của ông trên lĩnh vực báo chí, xuất bản tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một nhà khoa học xã hội, nên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - GS. Nguyễn Văn Đạo đã phân công ông làm Tổng biên tập Bản tin ĐHQGHN và Tổng biên tập Nhà xuất bản ĐHQGHN. Khi được giao nhiệm vụ này, ông đã phải tự học, tự mày mò rất nhiều, ông vẫn thường đùa: "Mình phải học làm Tổng biên tập". Cán bộ lãnh đạo của Bản tin ĐHQGHN đều là cán bộ kiêm nhiệm, những anh em khác đều còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Bản tin mỗi tháng ra một số, những số đầu tiên còn mỏng, đơn giản. Ông đã chỉ định mỗi số phải có những "bài đinh" để làm cho số báo có chất lượng. Mặc dù công việc "bù đầu", nhưng ông vẫn định hướng, động viên cán bộ Bản tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để ngày càng xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đại học Quốc gia Hà Nội - trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực lớn của cả nước. Bản tin ĐHQGHN đã lớn mạnh dần. Các số báo ngày càng đẹp hơn về hình thức, đảm bảo về nội dung và đặc biệt không có sai sót gì.

PGS. Nghiêm Đình Vỳ và GS. Nguyễn Văn Thoả là hai người có nhiều tâm huyết, công sức để phôi thai, sinh ra và góp phần "nuôi lớn" Nhà xuất bản ĐHQGHN. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc GS. Nguyễn Văn Thoả và Tổng biên tập PGS. Nghiêm Đình Vỳ, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã nhanh chóng qua khỏi thời kỳ chập chững và dần khẳng định được vị thế của mình. Có nhiều khi lượng bản thảo về khoa học xã hội nhiều quá, ông không chỉ xem lại các bản nhận xét của biên tập viên, của các nhà thẩm định sách mà ông còn trực tiếp nhận đọc một số bản thảo về Lịch sử. Suốt 5 năm làm Tổng biên tập Bản tin ĐHQGHN, Tổng biên tập Nhà xuất bản ĐHQGHN, với sự kiên trì, nỗ lực và làm việc không biết mệt mỏi, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có một sai sót gì trong in ấn, xuất bản, luôn bảo đảm đúng đường lối của Đảng và góp phần làm cho uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày một nâng cao.

Tuy tham gia công tác quản lý từ sớm, nhưng ông vẫn luôn kết hợp nhuần nhuyễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Những năm gần đây ông vẫn lên lớp dạy chuyên đề về lịch sử thế giới cho sinh viên năm thứ 4 của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông còn dạy cả chuyên đề "Vận dụng phương pháp toán trong nghiên cứu lịch sử" cho sinh viên năm cuối và cho một số lớp cao học. Thời gian công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội ông đã hướng dẫn thành công 3 nghiên cứu sinh, hàng chục luận văn cao học và nhiều khoá luận tốt nghiệp đại học.

Ngay cả khi công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương Đảng ông vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn cao học và khoá luận tốt nghiệp cho sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông tâm sự: "Nhiều khi không đi dạy, tôi cảm thấy nhớ trường, nhớ lớp quá". Yêu nghề - đó chính là nguyên nhân khiến PGS. Nghiêm Đình Vỳ, tuy đã trải qua nhiều cương vị quản lý, lãnh đạo, nhưng vẫn gắn bó mật thiết với giảng đường, lớp học. Gần 40 năm gắn bó với nghề cầm phấn, ông đã từng giảng dạy ở nhiều trường sư phạm từ cao đẳng đến đại học, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ thầy, cô giáo cho ngành giáo dục của đất nước.

Mặc dù rất bận rộn với công tác quản lý, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để tham gia viết một số giáo trình đại học, cao đẳng về lịch sử, tiêu biểu như: chủ biên cuốn "Lịch sử Thế giới trung đại", "Lịch sử Thế giới cổ trung đại"; là đồng tác giả các cuốn: "Đất nước Lào: Lịch sử và văn hoá"; "Lịch sử các nước Đông Nam Á"... Ông cũng tham gia viết các bộ sách lịch sử cho sinh viên các khoa khác thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như tài liệu cho Khoa Giáo dục Chính trị, giáo trình "Lịch sử đại cương" cho hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tính đến nay, ông đã có hơn 100 bài báo về lịch sử và giáo dục đăng trên các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Đảng, Nghiên cứu giáo dục, Tạp chí khoa giáo...

Là một giáo viên, một nhà khoa học về lịch sử và giáo dục, PGS. Nghiêm Đình Vỳ không chỉ viết giáo trình đại học, cao đẳng, viết sách giáo khoa phổ thông, mà còn tham dự nhiều hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước. Ông đã từng tham luận tại hội nghị về Lịch sử Đông Nam Á tại Thái Lan, về giáo dục đại học tại Pháp, về đào tạo từ xa tại Mỹ... Chỉ tính sơ sơ cũng thấy, ông đã đặt chân lên gần 20 nước trên thế giới và khắp các vùng, miền của đất nước Việt Nam. Và rồi, ông đã thổi vào bài giảng những điều trải nghiệm từ cuộc sống, những điều mắt thấy, tai nghe. Trước đây, nhiều sinh viên khi mới nhận giấy nhập học Khoa Lịch sử đã thở dài chán ngán, nhưng khi được tiếp xúc với một thầy giáo giỏi, am hiểu như ông, lòng yêu ngành - yêu nghề đã được nhen nhóm và bùng cháy trong họ. Xưa nay, cái sự "trò nhớ thầy" được coi như một lẽ thường tình, và cái sự "thầy nhớ trò" được cho là khó, bởi nghề chở đò - mấy khi nhà thuyền nhớ được khách. Nhưng với thầy Nghiêm Đình Vỳ thì khác. Ông có một trí nhớ tuyệt vời. Nhiều lớp, ông chỉ dạy một môn, một chuyên đề 30 - 45 tiết, nhưng khi kết thúc môn học, ông có thể gọi tên, thậm chí nhắc cả quê quán của từng trò. Có những trường hợp, sinh viên ra trường 5 năm, 10 năm mới gặp lại, nhưng chỉ sau một chút tĩnh lặng, ông có thể nhắc cả họ và tên lẫn quê quán... Ham học hỏi, nhiệt tình với công việc, với đồng nghiệp và hoc trò; sống giản dị, trong sáng và chân thành, PGS. Nghiêm Đình Vỳ luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ là người có nhiều đóng góp cho giáo dục phổ thông. Ông là chủ biên của sách giáo khoa "Lịch sử lớp 7" dùng cho học sinh trung học cơ sở. Đây là cuốn được viết trong giai đoạn thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Từ năm 1990, ông đã là một trong ba tác giả của cuốn sách giáo khoa "Lịch sử lớp 10" và hiện giờ ông vẫn tiếp tục biên soạn nâng cao cho cuốn sách giáo khoa này. Ông cũng là chủ biên hai cuốn sách về tư liệu lịch sử giảng dạy ở trường phổ thông (một cuốn năm 1993 và một cuốn năm 2004), tham gia tích cực vào việc bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Suốt thời gian 7 năm công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, với cương vị là Phó giám đốc, PGS. Nghiêm Đình Vỳ đã có nhiều đóng góp trong giai đoạn đầu xây dựng ĐHQGHN. Đáng kể nhất là tạo điều kiện cơ sở vật chất lúc khó khăn, hoàn thành tốt trách nhiệm phụ trách công tác đào tạo, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển Bản tin ĐHQGHN và Nhà xuất bản ĐHQGHN trên cương vị Tổng biên tập.

Hiện nay, với cương vị là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Ban Khoa giáo Trung ương, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ tiếp tục phát huy phẩm chất của một nhà giáo, người cán bộ quản lý trước đây, đã có đóng góp nhiều trong công tác tham mưu cho Đảng. Điều đáng quý là ông vẫn thường xuyên có mối liên hệ với Đại học Quốc gia Hà Nội, tích cực tham gia nhiều hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông tâm sự: "Tuy không còn trực tiếp công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng khi trở lại Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi thấy như trở về ngôi nhà của mình...". Với những đóng góp tích cực trong giáo dục - đào tạo và trong quản lý, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đã được tặng nhiều huân chương, nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục!

Hình ảnh PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, người thầy mẫu mực, đã in đậm trong tâm thức của nhiều lứa sinh viên suốt mấy chục năm với lòng biết ơn, niềm tôn kính. Hình ảnh một nhà quản lý, một nhà giáo tâm huyết với nghề nghiệp, sống giản dị, chân thành luôn khắc sâu trong tâm trí, tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp. Đó chính là hạnh phúc thiêng liêng, to lớn mà dễ mấy người có được!

Nguyễn Mai Hương [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» Liệt sĩ Lê Anh Xuân: Nhà thơ, người chiến sĩ
» TS.VS Alexandre Yersin - Bác sĩ người pháp và những tháng ngày trên đất nước Việt Nam
» GS. Đặng Thai Mai - vị giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Văn khoa Hà Nội
» GS.Tôn Thất Tùng - người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam
» GS.TS Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam
» Henri Gourdon
» PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
» Nguyễn Văn Huyên - Nhà bác học cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà(*)
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn