Trang chủ ĐHQGHN |   Trang nhất
 
Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024    Số người truy cập: 960586
Theo dòng lịch sử 100 năm
- Lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành tựu 100 năm
Tin tức & Sự kiện
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm
- Kỷ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Con người & Sự kiện
- 100 chân dung - Một Thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội
- Chân dung Nhà giáo
- Những gương mặt trẻ tiêu biểu
Tư liệu
Diễn đàn Hà Nội về GDĐH Thế kỷ XXI
Hướng dẫn đăng ký cựu sinh viên, cán bộ và đăng nhập diễn đàn
Tâm sự về ngôi trường 100 tuổi
 
GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Vui: "Tôi đã sống hết mình với thời đại của tôi"

Đó là câu nói rất chân thành của Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, tiến sĩ Triết học Nguyễn Hữu Vui trong một cuộc trò chuyện thân mật.

Nghiêm túc nhưng hết sức nhân hậu, lịch lãm nhưng chân thành và giản dị, ông có phong cách nhân văn của một giáo sư Văn học. Ấy vậy mà ông đã gắn bó hơn 40 năm với nghề dạy học và nghiên cứu Triết học - ông là một trong những cánh chim đầu đàn của nền Triết học Việt Nam.

Ông sinh ngày 28.11.1937, là con út trong một gia đình ba anh em trai, bố là công nhân, mẹ buôn thúng bán bưng; 8 tuổi cậu bé Vui mới bắt đầu cắp sách đến trường. Nhưng học vừa đủ để biết đọc, biết viết khi Cách mạng tháng Tám 1945 vừa thành công, thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông phải bỏ học cùng gia đình rời làng Thụy Khê, Bưởi (Hà Nội) theo bố mẹ tản cư lên tận Đèo An, Bắc Cạn. Chiến tranh, gia đình lại nghèo, ông không được đi học, nhưng ông rất say mê đọc sách, ông đọc một cách say sưa tất cả những cuốn có được, mượn được. Và ông đặc biệt thích sách văn học. Cao hơn cả mong muốn được cắp sách đến trường, ông ấp ủ mơ ước được đi sâu vào lĩnh vực Văn học. Hàng ngày, ông phải cùng các anh lên rừng kiếm củi về bán để phụ giúp gia đình. Đến năm 13 tuổi, ông xin vào làm công nhân ở mỏ chì Đèo An, Bắc Cạn. May mắn, nhờ biết đọc, biết viết mà ông được đưa lên làm thư ký cho Giám đốc mỏ. Cũng nhờ thông minh lanh lợi, năm 1951, khi vừa tròn 14 tuổi, ông được nhận thẳng vào lớp 4 của một trường cấp I, rồi cấp II thuộc phân hiệu trường Hùng Vương, Phú Thọ. Niềm vui được học tập đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống thời chiến. Sáng đi học, chiều đi lấy củi. Ngày nào ông cũng phải vượt qua gần 20km đường rừng để đến lớp, nhưng ông không bao giờ bỏ một buổi học nào. Có thời gian hàng tháng trời chỉ ăn chuối xanh luộc đi học, ông cũng không hề nản chí. Chỉ trong 3 năm, ông đã hoàn thành xuất sắc chương trình của hai cấp phổ thông cơ sở. Tốt nghiệp cấp II cũng là lúc tin chiến thắng Điện Biên Phủ tràn ngập khắp nơi, ông vô cùng sung sướng vì sắp được trở về đất Hà thành thân yêu. Ông thi đỗ Trung cấp Sư phạm Văn, nhưng nhà trường lại chuyển ông sang học Kiến trúc. Ông bỏ trường Trung cấp, quyết tâm học tiếp cấp III. Ba năm trời ròng rã, tối nào ông cũng đi bộ mấy cây số từ làng Thụy Khê ra Cầu Giấy để đứng học dưới ngọn đèn đường. "Có công mài sắt có ngày nên kim!" Tốt nghiệp lớp 10, ông thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành học ông đăng ký là Văn học.

Nhưng chỉ sau 1 tháng học quân sự, ông được chọn đi học ở Liên Xô. Tạm biệt thầy bạn, Nguyễn Hữu Vui lại chuyển sang học tiếng Nga tại Trường bổ túc Ngoại ngữ lúc bấy giờ đóng tại Gia Lâm. Sau 8 tháng học cấp tốc, ông tốt nghiệp khóa học tiếng Nga với kết quả xuất sắc. Đến lúc này, nhà trường mới quyết định cử ông đi học chuyên ngành Triết học cơ bản tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp.

Ông yêu Văn học từ khi mới cắp sách đến trường, hai lần thi đỗ sư phạm Văn, nhưng số phận đã đưa ông gắn bó cả cuộc đời với khoa học Triết học.

Năm 1960, ông cùng hơn 100 học sinh Việt Nam sang Liên Xô học tập. Miệt mài học tập, ngoài giờ lên lớp chính thức, ông còn tham gia các lớp học ngoại khóa, nghe giảng về Thần học... Sau 4 năm học tập, cùng với kiến thức quý báu thu nhận được, năm 1964, ông về nước với gia tài là những thùng... sách. Với ông, đó là một hành trang vô giá.

Tuy nhiên, xung quanh những thùng sách mà ông mua được bằng tất cả số tiền học bổng dành dụm được trong 4 năm (ông không mua một thứ gì ngoài sách) cũng để lại cho ông một chuyện mà ông nhớ mãi về cuộc đời du học nước ngoài của ông. Vì chúng (những thùng sách) mà ông "suýt" để mất mối tình đầu rất đẹp đẽ mà thiêng liêng của mình; người con gái ấy chính là người vợ của ông bây giờ. Những năm 60 của thế kỷ XX, đất nước còn rất nghèo hàng hóa, nhất là hàng công nghiệp, tiêu dùng hầu như không có, mọi thứ đều phải phân phối qua tem phiếu. Khi ông mang những thùng sách về, làng xóm cứ nghĩ là những thùng hàng và đồn đại rất "độc miệng" là do hám của, hám giàu mà "cô bé Quy" xinh đẹp mới yêu ông. Nếu không vì mối tình đầu sâu đậm 4 - 5 năm trong sự chờ đợi (bao nhiêu chàng trai hỏi mà không yêu) thì người yêu của ông đã tự ái mà bỏ ông rồi. Cũng tại ông đã sống quá sách vở. Có ai lại như ông, 4 - 5 năm học ở nước ngoài mà khi về nước lại không mua lấy một chiếc xe đạp (giá chỉ bằng một tháng học bổng, khi mà ở trong nước thì gần hết đời công tác mới mua được), để đến nỗi mấy năm đi chơi với người yêu phải đi bộ hoặc đi xe điện (lúc đó người ta gọi là tàu điện). May mà sự "chậm hiểu" hay tính "bôn" của ông chưa bị trả giá bởi tình yêu.

Cùng năm 1964, ông được phân công về giảng dạy tại Bộ môn Triết học Mác - Lênin, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp "trồng người" cao quý của mình. Bao lớp học trò của ông đã tung cánh bay xa tới những chân trời kiến thức bao la, nhiều học sinh vẫn trở về thăm ông - người thầy nghiêm nghị nhưng sôi nổi, dễ gần, dễ mến, người thầy giáo dạy triết duy nhất chưa phải là đảng viên, người thầy đã chắp cánh cho họ vào đời.

Một kỷ niệm nho nhỏ nhưng cảm động khó quên đối với ông, đó là những ngày đầu thành lập Khoa Triết học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1975. Ông được Bộ môn Mác - Lênin của trường cử ra tổ chức lớp Triết học đầu tiên cùng với 2 cán bộ của Viện Triết học. Học sinh chưa có chỗ ở, ông phải lo cho các em từng ly từng tý, tìm kiếm nhặt nhạnh từng chiếc giát giường để các em ngủ tạm tại gác 2 thư viện của nhà trường. Nhưng thật tiếc, các em vừa vào học văn hóa được một tuần thì vì một lý do nào đấy, Khoa Triết học giải tán (năm 1976 mới thành lập lại). Thế là lớp Triết đầu tiên do ông làm chủ nhiệm phải chuyển về học tại Khoa Kinh tế và một số khoa khác của trường.

Năm 1976, Khoa Triết học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được tái lập, Nguyễn Hữu Vui lại được phân công chủ nhiệm lớp sinh viên đầu tiên của Khoa. Năm 1977, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (những sinh viên học ở Liên Xô về thời đó cần được thử thách). Dù bất kỳ ở cương vị nào, ông cũng luôn là một nhà giáo mẫu mực, là một tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên noi theo về tinh thần nghị lực và phấn đấu.

Năm 1980, khi đã bước sang tuổi 44, ông được cử trở lại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp làm thực tập sinh để nâng cao trình độ chuyên môn. Ông tranh thủ học thêm môn Tôn giáo, rồi Chủ nghĩa vô thần khoa học... Khi đó, ông chưa có ý định và cũng chưa được phép làm nghiên cứu sinh. Sau một năm thực tập sinh, ông được Bộ Đại học cho phép ở lại làm nghiên cứu sinh, nhưng phải viết và bảo vệ thành công trong vòng một năm. Đó là một thời gian quá ngắn ngủi để viết và bảo vệ một luận án tiến sĩ, chưa nói tới các giáo sư người Nga có nhận hướng dẫn hay không.

Ngày 1.1.1981, Nguyễn Hữu Vui được GS.TS Triết học D.M. Ugơzinôvích nhận hướng dẫn, nhưng phải qua thử thách. Trong vòng 2 tháng nếu hoàn thành tốt tiết 1 của chương một của luận án thì sẽ được chính thức chấp nhận hướng dẫn. Miệt mài làm việc ngày đêm, Nguyễn Hữu Vui đã đạt được kết quả khiến thầy giáo người Nga phải ngạc nhiên.

Cứ như thế, ngày đọc sách ở thư viện, đêm về viết, trong 8 tháng, ông đã hoàn thành luận án. GS.TS Côtrêtốp ở Trường Đại học Sư phạm Matxcơva, người đã nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam từ năm 1925 là người phản biện 1 luận án của Nguyễn Hữu Vui đã có đánh giá rất tốt về luận án này. Giữa tháng 12 năm đó, Nguyễn Hữu Vui bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ. Giáo sư hướng dẫn đã xúc động phát biểu: "Nghiên cứu sinh Liên Xô cần noi gương tinh thần và thái độ học tập của anh Nguyễn Hữu Vui".

Một năm trời miệt mài làm việc cũng là một năm ông hầu như không thư từ gì về nhà. Nhưng ông cũng thật may mắn có được một người vợ hiền thục, đảm đang, tần tảo nuôi hai con nhỏ cho ông yên tâm công tác.

Trở về Việt Nam, ông lại say mê lao vào giảng dạy, nghiên cứu, viết sách... và ông được phân công làm Chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lênin trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1992, Bộ môn sáp nhập vào Khoa Triết học. Ông được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Khoa Triết học từ đó (1992) đến năm 1996.

Tuy đã đến tuổi nghỉ hưu từ lâu, Nguyễn Hữu Vui vẫn tham gia giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hầu hết các giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Triết học đều có sự tham gia của ông.

GS. Nguyễn Hữu Vui đã giảng dạy cho nhiều khoá đại học, sau đại học; hướng dẫn thành công 17 luận văn thạc sĩ, 12 luận án tiến sĩ Triết học và tham gia nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước. Ông đã viết và công bố hơn 40 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành; là chủ biên và đồng chủ biên, đồng tác giả của 7 cuốn sách gồm: giáo trình, tập bài giảng, sách tham khảo; Chủ nhiệm một đề tài cấp Nhà nước về "Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam" (đã nghiệm thu năm 2002); Chủ trì nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Đại học Quốc gia.

Tiêu biểu như: "Triết học Mác - Lênin" (1984, 1991, 1992), "Chủ nghĩa vô thần khoa học", "Từ điển Triết học giản yếu" (đồng tác giả, 1987), "Lịch sử Triết học" (đồng tác giả, 1994, 1998). Đặc biệt là giáo trình: "Triết học" (3 tập, 1999) - dùng cho nghiên cứu sinh và học viên cao học không chuyên ngành Triết học, Giáo trình quốc gia "Triết học Mác - Lênin" (đồng tác giả, 1990).

Thời kỳ ông còn làm Chủ nhiệm khoa, trước tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, bản thân ông cùng tập thể lãnh đạo Khoa đã tìm ra những giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cán bộ trong Khoa, đồng thời đề ra phương hướng phát triển Khoa trong tình hình mới. Ông cùng tập thể cán bộ lãnh đạo thường xuyên làm công tác chính trị, tư tưởng cho anh em cán bộ trong Khoa, kết hợp với việc mở thêm một số ngành và bộ môn mới như: xây dựng ngành Quản lý Xã hội, tách bộ môn khoa học về Tôn giáo, tăng cường vai trò của Bộ môn Lịch sử Triết học, đổi mới giảng dạy ở các bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học và Triết học Mác - Lênin... Nhờ vậy, Khoa đã giữ được sự ổn định và bước đầu phát triển.

Cuộc đời ông là cả một quá trình say mê học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Năm 1987, ông được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Đến năm 1996, niềm vui đến dồn dập, cùng với học hàm Giáo sư là danh hiệu cao quý của nghề trồng người: Nhà giáo ưu tú. Đến năm 1998, ông được công nhận là Giảng viên cao cấp.

Để ghi nhận những cống hiến của GS. Nguyễn Hữu Vui, Nhà nước đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục...

Đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Vui vẫn cộng tác với nhiều trường đại học trong cả ba lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy và quản lý. Ông đã toàn tâm cống hiến sức lực và trí tuệ cho công việc và thực sự "sống hết mình" với thời đại./.

Hằng Thu [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Các bài liên quan
» Thầy tôi - tiểu khúc thứ ba, những điều chưa nói
» PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ với những đóng góp trong buổi đầu xây dựng ĐHQGHN
» Liệt sĩ Lê Anh Xuân: Nhà thơ, người chiến sĩ
» TS.VS Alexandre Yersin - Bác sĩ người pháp và những tháng ngày trên đất nước Việt Nam
» GS. Đặng Thai Mai - vị giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Văn khoa Hà Nội
» GS.Tôn Thất Tùng - người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam
» GS.TS Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam
» Henri Gourdon
» PGS.TS Vũ Văn Hiền - Nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu lý luận
» Đại sứ Arteni Valeriu
» GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Thành công bắt nguồn từ đam mê và sáng tạo
» GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
» Nguyễn Thái Học - Vị lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, một trí thức yêu nước bất khuất
» GS. NGuyễn Thừa Hợp - Người "đưa đò"... thầm lặng
» GS. Cao Xuân Huy - Nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hoá phương Đông
 Tin tức qua ảnh
 Tiêu điểm
 Các liên kết
 Thư viện ảnh

Copyright 2004-2024 Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin toà soạn
Địa chỉ : 144 - Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội.    Email : bantin@vnu.edu.vn