Đầu tháng 6/2004, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ĐHQGHN tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN, và yêu cầu ĐHQGHN chuẩn bị chu đáo, tổ chức kỷ niệm trang trọng và tiết kiệm.
Ngày 10/12/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/CP về việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng bước trưởng thành và khẳng định mô hình trung tâm đào tạo đ ại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, từng bước tiến tới đạt trình độ quốc tế. Những thành tựu Đại học Quốc gia Hà Nội đạt được là kết quả của sự kế thừa, nối tiếp và phát huy truyền thống của những trường đại học tiêu biểu trong các giai đoạn lịch sử gần một thế kỷ qua của dân tộc Việt Nam - các trường đại học tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội: Trường Đại học Đông Dương (1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956) và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1967).
Phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đ ạo hoạt động kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN ngày 23/9/2004
Trên cơ sở phân tích nhiều tư liệu lịch sử có giá trị, đặc biệt là các lập luận khoa học và kết luận của Hội đ ồng nghiệm thu đề tài khoa học Xác định Ngày thành lập và Ngày truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội họp tháng 5/2003 với thành phần gồm các nhà khoa học và quản lý có uy tín thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Thành uỷ Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội... Đảng uỷ Đại học Quốc gia Hà Nội đã thống nhất chủ trương xác định ngày 16 tháng 5 năm 1906 - ngày thành lập Trường Đại học Đông Dương, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội - là mốc kỷ niệm thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng thời chọn ngày 15 tháng 11 năm 1945 - ngày khai giảng đầu tiên của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam dưới chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà là Ngày truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường Đại học Đông Dương là trường đại học kiểu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, được tổ chức theo mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ sở tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội (sau trở thành cơ sở của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhiều nhà khoa học xuất sắc, nhiều trí thức nổi tiếng của đất nước đã được đào tạo từ đây. Nhiều sinh viên các thế hệ của Trường Đại học Đông Dương đã trở thành những trí thức tiêu biểu, tham gia tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt một số người đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Cách mạng. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trường Đại học Đông Dương đã được Nhà nước dân chủ nhân dân kế thừa, phát triển thành Trường Đại học Quốc gia Việt Nam và khai giảng khoá đầu tiên dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc kỷ niệm ngày thành lập Đ ại học Đông Dương - mốc khởi đầu của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam, có ý nghĩa to lớn cả về phương diện quốc gia và quốc tế. Đây là dịp tổng kết một thế kỷ phát triển của hệ thống giáo dục đại học nước nhà. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, Đại học Quốc gia Hà Nội - cơ sở kế thừa tiêu biểu, trực tiếp nhất của Đại học Đông Dương có dịp khẳng định truyền thống xây dựng và phát triển của mình, đồng thời tiếp tục chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai, thực hiện sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó là phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây là dịp tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học ở các nước Đông dương, các nước thuộc khối ASEAN cũng như các trường đại học của Pháp và các nước thuộc khối Pháp ngữ. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có điều kiện trao đổi, tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cơ quan giáo dục và khoa học khu vực và quốc tế.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện lịch sử này, ĐHQGHN đã báo cáo, xin ý kiến các Bộ, Ban ngành hữu quan: Bộ GD&ĐT, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương và các cơ quan nói trên đều đã có công văn trả lời hoan nghênh, ủng hộ chủ trương của ĐHQGHN về việc tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương. Trên cơ sở đó, ĐHQGHN đã có tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ. Tại công văn số 5484-CV/VPTW ngày 31/5/2004 Ban Bí thư Trung ương Đảng uỷ quyền cho Chính phủ giải quyết đề nghị của ĐHQGHN. Vào những ngày đầu tháng 6/2004, ĐHQGHN đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “Đồng ý ĐHQGHN tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN. Yêu cầu ĐHQGHN chuẩn bị chu đáo, tổ chức kỷ niệm trang trọng và tiết kiệm".
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo ĐHQGHN đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức từ nay cho tới Lễ kỷ niệm chính thức và o ngày 16/5/2006. Các hoạt động dự kiến sẽ tập trung vào hai nội dung chính. Nội dung thứ nhất bao gồm các hoạt động tuyên truyền ý nghĩa của sự kiện lịch sử được kỷ niệm dưới nhiều hình thức, tổ chức tìm hiểu truyền thống của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam nói chung và của ĐHQGHN nói riêng bắt đầu từ Đại học Đông Dương, tổ chức các cuộc gặp mặt, trao đổi giữa các thế hệ giáo chức và sinh viên thuộc các thời kỳ phát triển của Đại học Đông Dương trước kia và của ĐHQGHN ngày nay. Nội dung thứ hai dành cho các hoạt động học thuật bao gồm một số hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế với chủ đề về quá khứ, hiện tại và tương lai của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam và các nước Đông Dương trong mạng lưới các trường đại học khu vực và quốc tế, đồng thời tổ chức sưu tầm tư liệu về các nhà giáo, các gương mặt tiêu biểu của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam và ĐHQGHN qua một thế kỷ xây dựng và phát triển. Hiện nay, cũng trong khuôn khổ của những hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Đại học Đông Dương, ĐHQGHN đang tích cực triển khai một số hoạt động đối ngoại như phối hợp với Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Hà Nội chuẩn bị đề án tu bổ, nâng cấp cơ sở 19 Lê Thánh Tông và đề án thành lập Đại học Quốc tế Việt - Pháp… Các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ĐHQGHN (15/11/1945 - 15/11/2005), kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐHKHTN và ĐHKHXH&NV, 1956 - 2006), và những ngày kỷ niệm thành lập các đơn vị trực thuộc khác đều là những hoạt động chính trị hết sức quan trọng góp phần khẳng định một thế kỷ xây dựng và trưởng thành của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam nói chung và của ĐHQGHN nói riêng./.
|